Hình ảnh chụp mạch khối dị dạng tĩnh mạch và hình ảnh khối dị dạng tĩnh mạch trước mổ. Ảnh: BVĐKQN
Ngày 13/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa qua đơn vị này đã cắt bỏ thành công khối dị dạng mạch máu kích thước “khủng” gây đau tức ngực cho nam bệnh nhân Đồng Văn Kh. (53 tuổi, trú tại Nam Định).
Theo chia sẻ của bệnh nhăn, nhiều năm trước, ông đã phát hiện một khối mềm vùng thành ngực bên trái. Khối này to chậm, tuy nhiên nó lại gây đau tức ngực, đặc biệt khi nằm nghỉ lúc về đêm thì khối này căng phồng và dễ sờ thấy hơn.
Bệnh nhân đã đến khám tại một số bệnh viện và có kết quả chẩn đoán khác nhau như u mỡ, u bã, u mạch nhưng chưa cơ sở y tế nào nhận điều trị do khối mềm ở sâu và khó xác định.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám khi thấy khối u ngày càng to và đau tức nhiều. Tại đây, qua thăm khám, bác sĩ xác định một khối mềm không rõ gianh giới nằm sâu ở thành ngực, trên da không có biểu hiện tổn thương.
Kết quả siêu âm cho thấy, đây là tổ chức mạch máu có dòng chảy chậm, ấn đầu rò thì xẹp. Chụp cắt lớp cho thấy tổn thương nằm sâu sát xương sườn, chụp mạch xác định đây là búi dị dạng tĩnh mạch giãn lớn.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối dị dạng tĩnh mạch thành ngực trái lớn và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ kết hợp tiêm nút tĩnh mạch trước mổ. Ca phẫu thuật do các bác sĩ Phẫu thuật mạch máu của khoa Ngoại thực hiện.
Sau khi được tiêm thuốc nút mạch vào khối dị dạng, các bác sĩ tiến hành bộc lộ và cắt bỏ hoàn toàn khối tĩnh mạch giãn to kích thước 6 x 8 cm nằm sau cơ răng trước và bên ngoài các xương sườn từ số 4 đến số 6.
Ca mổ thành công, khối dị dạng được cắt bỏ hoàn toàn, không chảy máu trong mổ. Sau mổ, bệnh nhân đau nhẹ, vết mổ liền tốt, rút dẫn lưu ngày thứ 5 sau mổ.
Khối dị dạng tĩnh mạch kích thước lớn được cắt bỏ khỏi vùng ngực bệnh nhân. Ảnh: BVĐKQN
Trao đổi với VTV News, bác sĩ Hùng - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho hay, dị dạng tĩnh mạch là loại dị dạng mạch máu phổ biến nhất chiếm đến 75%, đây là loại tổn thương bẩm sinh do sai sót trong quá trình hình thành mạch máu.
Dị dạng tĩnh mạch thường xuất hiện ngay từ lúc mới sinh và tồn tại và tiến triển trong suốt cuộc đời. Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, trong đó các vùng hay gặp nhất là tứ chi (40%), đầu và cổ (40%), và thân mình (20%).
Dị dạng tĩnh mạch ở thân mình thường có biểu hiện sưng, đau, biến dạng cơ thể và hạn chế một số tư thế, trong trường hợp bệnh nhân này, khối sưng và đau nhiều về đêm cho thấy bệnh cần phải điều trị. Chẩn đoán bệnh dựa vào siêu âm dopler, chụp mạch hoặc chụp cộng hưởng từ vùng tổn thương.
Điều trị dị dạng mạch phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, hiện nay có nhiều phương án được áp dụng do biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng. Việc điều trị cần tiếp cận đa chuyên khoa, bao gồm bác sĩ điện quang can thiệp, phẫu thuật thẩm Mỹ và phẫu thuật mạch máu.
Trường hợp dị dạng nhỏ có thể sử dụng liệu pháp bảo tồn hoặc nén ép bằng quần áo co giãn nếu tổn thương nhỏ và gây ra các triệu chứng tối thiểu, nhưng hầu hết các bệnh nhân sẽ không đỡ và sẽ cần điều trị tiếp.