Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết được cho về nhà điều trị ngoại trú và theo dõi thêm.
Khi dịch sốt xuất huyết xảy ra, càng nhiều người mắc thì nguy cơ biến chứng càng nhiều. Những ngày đầu chưa có biến chứng gì thì bệnh nhân có thể nằm ở nhà cho thoải mái, và cũng là giảm quá tải cho bệnh viện, giành giường bệnh cho người phải theo dõi sát hơn.
Theo BSCK II Nguyễn Hồng Hà (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), do sốt xuất huyết có những giai đoạn diễn tiến của nó, nên khi ở nhà, người bệnh và gia đình cần theo dõi sát, nếu thấy có một số dấu hiệu bất thường thì cần vào viện ngay.
Những dấu hiệu đó là:
Thứ nhất, bệnh nhân có thay đổi về tinh thần (như li bì quá, hoặc bồn chồn, vật vã). Trẻ nhỏ đang chơi bỗng nằm im, ít phản ứng khi được gọi hỏi. Bình thường, bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn tỉnh táo, khi li bì quá, hoặc có sự bồn chồn tức là có bất thường, cần vào viện.
Thứ hai, bệnh nhân có xuất huyết (chảy máu) bất thường như: kinh nguyệt xuất hiện không đúng kỳ, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Nói chung, khi có bất kỳ sự xuất huyết nào thì phải đến bệnh viện ngay.
Thứ ba, người bệnh đau bụng, bụng chướng, ậm ạch... Trẻ em không biết diễn tả sự đau bụng thì quấy khóc, không chịu ăn uống. Đây là triệu chứng bắt đầu của giai đoạn biến chứng thoát huyết tương. Hiện tượng ậm ạch là do thoát dịch. Ngoài ra, quan sát thấy da người bệnh căng mọng, mi mắt nề, hoặc tay lạnh, hoặc mạch quá nhanh; người bệnh đi tiểu ít (4-5 tiếng cũng không muốn đi tiểu) thì nên đến viện ngay để cấp cứu, xử lý biến chứng kịp thời.
Khi điều trị sốt xuất huyết ngoại trú, thông thường hàng ngày bệnh nhân được yêu cầu tái khám để bác sĩ theo dõi, đánh giá sát diễn tiến bệnh. Nhưng nếu bệnh nhân không đến được hàng ngày thì ngày thứ 4 bắt buộc phải đến viện để bác sĩ đánh giá tình trạng lâm sàng xem có biến chứng hay không có biến chứng. Kể từ ngày thứ 4, bệnh nhân sẽ được theo dõi tiếp 3-4 ngày nữa, nếu không có biến chứng gì thì coi như yên tâm khỏi bệnh.
5 dấu hiệu sốt xuất huyết cần đi viện ngay lập tức. Nguồn: ANTV