Thứ ba, 23/04/2024 | 18:16
RSS

Mắc sốt xuất huyết có nhất thiết phải truyền nước?

Thứ bảy, 05/08/2017, 07:17 (GMT+7)

Khi bị sốt cao nói chung và sốt xuất huyết nói riêng, rất nhiều người nghĩ tới việc phải truyền nước để bù dịch và... truyền cho đỡ mệt.

Có người truyền nước tại nhà, có người đến các cơ sở y tế xin truyền nước. Nhiều người coi truyền nước là điều đương nhiên khi gặp sốt, đặc biệt là sốt cao dài ngày.

Về vấn đề này, BSCK II Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trong sốt xuất huyết người ta chia ra các giai đoạn khác nhau và mục tiêu bù dịch cũng khác nhau.

Trong giai đoạn sốt hay giai đoạn 3 ngày đầu của bệnh: Việc thiếu một chút nước do bệnh nhân ăn uống không đủ, sốt cao nên mất nước qua mồ hôi..., nhưng lượng thiếu không nhiều, mục tiêu bù nước lúc này là bù lượng thiếu so với lượng dịch duy trì hàng ngày.

Truyen nuoc

BSCK II Nguyễn Hồng Hà (Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Để dễ hình dung, BS Hà lấy ví dụ: Một người trưởng thành nặng khoảng 50kg, nhu cầu hàng ngày sẽ cần khoảng 2,1 lít nước. Khi không bị ốm, người đó ăn uống đủ thì không cần bù nước. Nhưng khi người đó mắc sốt xuất huyết làm tăng mất nước qua mồ hôi thông qua quá trình sốt, hoặc do ăn không đủ nên lượng nước thiếu..., mục tiêu sẽ là bù nước để bệnh nhân có đủ lượng nước cần thiết trong cơ thể giúp chuyển hóa được thuận lợi. 

Nhưng nếu bệnh nhân không nôn, vẫn ăn uống bình thường thì việc chăm sóc bồi bổ bằng ăn và uống đủ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Việc bù nước bằng đường sinh lý (ăn uống) sẽ tránh được rất nhiều nguy cơ gặp phải so với bù nước qua con đường tĩnh mạch.

Truyền nước

Bệnh nhân sốt xuất huyết không nôn, uống nước đủ thì không cần phải truyền nước. Ảnh minh họa

Theo BS Hà, lời khuyên của thầy thuốc là đối với những bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng không nôn, vẫn ăn uống được là tăng cường khâu chăm sóc; người nhà cứ phục vụ ăn uống đầy đủ là được, không cần cho bệnh nhân truyền nước.

Để bù lượng nước đã mất qua quá trình sốt, người bệnh sốt xuất huyết có thể uống bất cứ nước gì như: oresol, nước rau, nước cam, nước chanh hoặc nước lọc. Khi tích cực uống nước thì người bệnh đã được bù nước. Thêm vào đó, phải ăn uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng; nên ăn đồ lỏng, dễ tiêu. Những trường hợp nôn nhiều, không thể ăn vì cứ ăn vào lại nôn ra thì lúc ấy mới xét đến việc truyền dịch trong 3 ngày đầu của sốt xuất huyết.

Triệu chứng sốt xuất huyết - Bố mẹ cần biết để giúp con phòng dịch. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN