Thứ sáu, 26/04/2024 | 12:12
RSS

Cục Trẻ em nói gì sau vụ bé 17 tháng tuổi tử vong do bị 2 bảo mẫu đánh đập?

Thứ hai, 06/03/2023, 06:52 (GMT+7)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã lên tiếng sau vụ việc bé trai 17 tháng tuổi tại Hà Nội tử vong do bị 2 bảo mẫu đánh đập.

Sự kiện:
Hà Nội

Những ngày gần đây, vụ việc hai bảo mẫu tại một nhà trẻ tư thục ở thôn Vạn Điểm (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đánh đập khiến bé trai Phạm Tiến Đ. (sinh năm 2021, trú tại thôn Vạn Điểm) tử vong đang khiến dư luận phẫn nộ.

Trao đổi với Báo sức khỏe và Đời sống, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) bày tỏ sự xót xa trước sự ra đi của bé trai.

Cục Trẻ em nói gì sau vụ bé 17 tháng tuổi tử vong do bị 2 bảo mẫu đánh đập

Nhà trẻ tư thục ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Theo ông Nam, sau sự việc lần này rất nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép.

Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố phải rà soát lại, kiểm tra lại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không đăng ký, không được cấp phép để đình chỉ. Về lâu dài thì xem xét lại quy hoạch các hạ tầng xã hội ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính vì thiếu hạ tầng xã hội trong đó có cơ sở mầm non cho nên người lao động, đặc biệt là những lao động nhập cư không biết gửi con ở đâu.

Người lao động đi làm thì buộc phải họ đưa con vào những cơ sở giáo dục không đảm bảo chất lượng và không phép dẫn đến vụ việc trẻ em bị bạo hành gây hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Như vậy, địa phương, Ban quản lý Các khu công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra và tạo điều kiện để chăm sóc con em của người lao động.

Cục Trẻ em nói gì sau vụ bé 17 tháng tuổi tử vong do bị 2 bảo mẫu đánh đập

Phía bên trong nhà trẻ nơi cháu Đ. bị đánh đập dã man. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Một vấn đề nữa cũng được người đứng đầu Cục Trẻ em nhắc đến đó là lỗ hổng kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em của các bậc làm cha mẹ. Các bố mẹ, thành viên trong gia đình rất thiếu kiến thức về làm cha mẹ, bảo vệ trẻ em; nên có trường hợp con bị bạo hành nhiều ngày mà không phát hiện ra.

Theo cơ quan điều tra cung cấp ban đầu, báo chí phản ánh, rõ ràng bé trai Phạm Tiến Đ. bị đánh trước đó nhiều ngày nhưng khi về nhà bố mẹ không phát hiện được, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa tự nói được. Cho nên, bố mẹ lại tiếp tục gửi bé đến cơ sở trông giữ trẻ đó, lại dẫn đến hành vi bạo hành tái diễn.

Do đó, các cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ nuôi con nhỏ cần phải được tăng cường truyền thông giáo dục, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Đặc biệt là các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, hệ thống ngành Văn hóa thể thao và Du lịch (quản lý nhà nước về gia đình), Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đối với các cặp vợ chồng trẻ. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã làm rất nhiều chiến dịch giáo dục trên tất cả các kênh, phương tiện nhưng cần làm nhiều hơn nữa.

Người đứng đầu Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh, các cơ sở hoạt động không phép, không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động thì rất có nguy cơ cao trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non trông giữ trẻ. Vì thế, cần phải thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở trông giữ trẻ, chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ để đảm bảo các điều kiện; vì trẻ càng nhỏ thì không nói được, không có kỹ năng để bảo vệ. Ngoài ra, nên khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp camera để cha mẹ, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể theo dõi, phát hiện sự việc kịp thời.

Cục Trẻ em nói gì sau vụ bé 17 tháng tuổi tử vong do bị 2 bảo mẫu đánh đập

Hai bảo mẫu Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành

Trước đó, vào khoảng 17 giờ ngày 1/3, Công an huyện Thường Tín nhận được tin báo cháu Phạm Tiến Đ. bị ngã tại nhà trẻ tư thục ở thôn Vạn Điểm, cháu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện nhi Trung ương nhưng bệnh viện đã trả về gia đình. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Thường Tín đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc.

Công an huyện Thường Tín đã triệu tập Nguyễn Thị An (sinh năm 1993) và Nguyễn Thị Lành (sinh năm 1992); cùng trú tại Tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh lên trụ sở để lấy lời khai. Ban đầu, cả hai khai bé trai tự ngã, không bị tác động bên ngoài. Tuy nhiên, đối chiếu với bằng chứng, tài liệu, kết hợp với quá trình đấu tranh với An và Lành, cảnh sát nhận thấy nhiều điểm bất thường.

Cả 2 sau đó đã thay đổi lời khai, cho biết Lành đi lùi, va vào làm Đ. ngã ra nền nhà và An thì bế trượt cháu bé làm nạn nhân ngã đập đầu. Đối với lời khai này, cơ quan điều tra vẫn nhận thấy nhiều điểm không phù hợp với dấu vết thương tích trên người nạn nhân nên tiếp tục đấu tranh. Tiếp tục đấu tranh, An và Lành đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành dã man cháu Đ. dẫn đến thương tích nặng và khiến nạn nhân tử vong.

Cụ thể, vào khoảng 7 giờ 30 ngày 23/2, cháu Đ. được mẹ đưa đến giao cho An và Lành trông giữ cùng 6 bé khác. Đến 9 giờ cùng ngày, An và Lành đưa các cháu vào buồng ngủ thì cháu Đ. khóc chạy ra ngoài cửa lớp đứng. Thấy vậy, Lành bực tức nên bế Đ. lên rồi ném xuống khiến đầu Đ. đập xuống nền nhà. Sau đó, Lành tiếp tục tát nạn nhân. An thấy vậy cũng dùng chân đạp vào bụng, ngực và đá vào đầu cháu bé.

Khoảng 16 giờ ngày 23/2, bố Đ. đến đón thì Lành và An nói cháu tự ngã. Trong các ngày 24, 25, 26/2, cháu Đ. vẫn được gia đình đưa đến lớp gửi. Đến 9 giờ 30 ngày 26/2, cháu Đ. khóc thì bị An dùng chân đạp vào bụng. Sau đó, An phát hiện cháu Đ. bất tỉnh nên gọi gia đình đến cùng đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Vạn Điểm; y tá yêu cầu đưa cháu đi bệnh viện nên gia đình đã chuyển cháu đến Bệnh viện Nông nghiệp I. Tiếp đó, Bệnh viện Nông nghiệp I chuyển cháu Đ. đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến 17 giờ ngày 1/3, Bệnh viện Nhi Trung ương trả cháu Đ. về nhà; đến 19 giờ ngày 2/3, cháu Đ. tử vong.

Sau khi Công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức pháp y tử thi, khám nghiệm hiện trường, sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của cháu Đ. là do chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.

Thông tin với Báo Kinh tế và Đô thị, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà cho biết, cơ sở trông giữ trẻ tự phát của An và Lành đã từng bị UBND xã Vạn Điểm yêu cầu đóng cửa, xử phạt hai lần do không đảm bảo điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, hai bảo mẫu vẫn cố tình tái phạm.

Ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành để điều tra hành vi “Giết người”.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại