Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:08
RSS

Cụ ông 93 tuổi bị chó nhà cắn nát chân

Thứ bảy, 07/09/2019, 07:22 (GMT+7)

Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa cấp cứu cụ ông Bùi Văn Th. (93 tuổi, trú tại xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị chó nhà cắn rách cẳng chân, mất nhiều máu.

Cụ ông 93 tuổi bị chó nhà cắn nát chân
Cụ ông vào viện với nhiều vết thương sâu, mất nhiều máu do bị chó cắn.

Theo lời kể của người nhà, khi ông Th. ra cho chó ăn thì bị tấn công vào 2 cẳng chân, gây ra nhiều vết thương nham nhở.

Phát hiện sự việc gia đình đã nhanh chóng đưa ông vào viện cấp cứu. Theo các bác sỹ, lúc vào bệnh nhân da bị xanh, huyết áp 80/50 mmHg, mạch quay nhanh nhỏ, 2 chân có nhiều vết thương nham nhở, cháy máu nhiều.

Ngay sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu xử lý cho thở oxy, băng cầm máu, hồi sức dịch, giảm đau.

Sau 3 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân đã tạm ổn định và được hội chẩn mời các bác sĩ Khoa Ngoại tiến hành khâu các vết thương.

Sau khi thực hiện cấp cứu, khâu các vết thương, bệnh nhân tạm ổn định, hiện đang được tiếp tục được điều trị, chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu.

Cụ ông 93 tuổi bị chó nhà cắn nát chân 2
​Bệnh nhận đã được khâu và băng bó.

Cách sơ cứu, xử trí vết thương nhanh nhất khi bị chó cắn

Theo các bác sĩ khi không may bị chó cắn, nên bình tĩnh sơ cứu theo hướng dẫn dưới đây. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Làm sạch vết thương: Điều quan trọng hàng đầu là làm sạch vết thương do chó cắn. Vết thương phải được rửa dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng không nên chà xát mạnh.

Dùng thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn và thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc.

Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, cần giơ cao vùng bị thương của người bị nạn lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.

Băng bó vết thương: Sau khi rửa sạch vết thương xong nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên nên lưu ý là không nên băng quá chặt sẽ khiến máu khó lưu thông. Khi bị chó cắn, hãy đến ngay cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm phòng dại.

Khi bị chó cắn, ngoài những miếng rách làm mất tính thẩm Mỹ và các tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân còn có thể mắc dại lây từ vật nuôi sang người người qua vết cắn. Đây là nguyên nhân khiến nạn nhân lên cơn dại, thậm chí tử vong nếu không được xử trí cấp cứu đúng cách và kịp thời. 

Ngay sau khi không may bị chó cắn, nạn nhân cần đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại cũng như hướng dẫn cách xử trí với vật nuôi.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN