Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận một trường hợp biến chứng thẩm Mỹ nặng sau tiêm chất làm đầy (filler) để tăng kích cỡ ngực.
Bệnh nhân là cô gái 26 tuổi (ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) đến khoa Thẩm mỹ da khám trong tình trạng hai bên ngực (đặc biệt là ngực phải) sưng to, đỏ, có mủ.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, nữ bệnh nhân kể lại sự việc: “Sau khi thỏa thuận giá cả, thời gian, cô nhân viên đó đã bay vào TP.HCM và thuê phòng khách sạn để tiêm filler nâng ngực cho tôi và vài người khách khác. Tổng cộng họ đã tiêm 350cc loại filler dùng cho body của Hàn Quốc vào ngực tôi với giá 25 triệu đồng.
Sau tiêm, hai bên ngực của tôi bị đỏ, đau. Tôi có liên hệ thì cô đó nói "không sao, đó là dấu hiệu bình thường sau tiêm" nên cũng yên tâm. Tuy nhiên khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, vùng ngực bên phải sưng to, cương mủ, đỏ và đau nhức nhiều", nữ bệnh nhân kể.
Bác sĩ kiểm tra vết thương và tư vấn cho cô gái 26 tuổi. Ảnh: vietnamnet.vn
Thông tin chi tiết trên Vietnamnet cho biết: Cô gái đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng 2 bên ngực sưng to, đỏ, có mủ. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da đã thăm khám và ghi nhận vùng ngực phải của bệnh nhân bị phù nề, hồng ban, có khối áp xe lớn, ấn đau. Vùng ngực trái cũng có khối kích thước tương tự. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh chất làm đầy rải rác trong mô mềm, có ổ áp xe lớn.
Bệnh nhân được chỉ định nhập viện. Sau vài ngày, khối áp xe tự vỡ, chảy nhiều mủ và chất làm đầy ra ngoài. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm. Các bác sĩ đã hội chẩn, quyết định phẫu thuật cho người bệnh để nạo rửa mủ.
Quá trình nạo, rửa diễn ra thuận lợi. Các bác sĩ đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ đã lấy ra nhiều mủ và chất làm đầy, sau đó thay băng, bơm rửa vết thương hàng ngày.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện da liễu TP.HCM, do chất làm đầy đã hòa tan với mô nên ê-kíp phải xử lý nhiều lần. Ngực bệnh nhân sẽ có sẹo xấu, hình thể vú bị biến dạng, nguy cơ phát sinh ổ áp xe mới. Ngoài ra, ngực bên trái cũng nguy cơ nhiễm trùng và xuất hiện ổ áp xe.