Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:14
RSS

Chuyên gia khuyến cáo cách chăm sóc trẻ, tránh mắc bệnh khi trời rét đậm

Thứ ba, 12/01/2021, 16:38 (GMT+7)

Miền Bắc đang có đợt rét đậm, rét hại kéo dài. "Đến hẹn lại lên", số trẻ nhập viện vì các bệnh viêm đường hô hấp trong thời tiết giá rét gia tăng.

Trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp khi rét đậm

Trong những ngày rét đậm, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhân đến khám ngoại trú giảm nhưng bệnh nhân nội trú nặng lại tăng khoảng 10-15%. Lý giải điều này, TS Lê Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, trời lạnh, nếu trẻ bị bệnh nhẹ hoặc các bệnh còn trì hoãn được, gia đình sẽ không đưa con đi khám. Trời lạnh cũng khiến nhiều trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp, nếu để nặng thì lại phải nhập viện.

"Bệnh trẻ hay mắc phải khi trời rét là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Viêm hô hấp trên hay gặp như viêm mũi, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc nặng hơn là viêm phế quản phổi. Nếu trẻ mắc bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời, điều trị đúng cách bệnh có thể diễn biến nặng", TS Hạnh chia sẻ.

Chuyên gia khuyến cáo cách chăm sóc trẻ, tránh mắc bệnh khi trời rét đậm

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp tại Bệnh viện Mỹ Đức (Hà Nội).

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày qua, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng khoảng 20-30% với các bệnh chủ yếu là viêm đường hô hấp, viêm phổi.

Những điều cần chú ý chăm sóc trẻ khi trời rét đậm

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, "đến hẹn lại lên", cứ đến khi thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh là số bệnh nhi nhập viện lại gia tăng. Các bệnh trẻ thường xuyên mắc ở thời tiết chuyển mùa là viêm đường hô hấp, cúm, tiêu chảy....

Thời tiết chuyển lạnh, chỉ cần người chăm sóc trẻ lơ là là trẻ rất dễ mắc bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ khi trời rét lạnh như hiện nay.

"Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi thì quan trọng nhất là giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Tôi nhấn mạnh "đủ ấm" vì nếu ấm quá cũng khiến trẻ toát mồ hôi, quần áo bị ướt thì lại dễ mắc lạnh, viêm phổi.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý 4 vị trí "vàng" của trẻ cần đảm bảo giữ ấm là bụng, chân, tay, lưng. Cha mẹ chú ý đến cổ, quàng khăn, bịt khẩu trang cho con vì sợ con lạnh cổ, con hít phải khí lạnh dễ viêm họng nhưng áo ngắn, hở bụng, hở tay, chân thì trẻ cũng dễ bị ốm như thường".

Trời lạnh cha mẹ thường có thói quen giữ trẻ trong nhà kín gió, không cho ra ngoài. Tuy nhiên, PGS Dũng cho rằng, điều này sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D, giảm sức đề kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, PGS Dũng cũng lưu ý, cha mẹ để ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa lạnh, cho trẻ uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Mùa lạnh thường có virus tiêu chảy nên việc ăn uống cho trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, nóng sốt. Vệ sinh, rửa tay cho trẻ thường xuyên để tránh tay mang mầm bệnh.

Khi trẻ bị ho kéo dài thì cần đưa trẻ đi khám chứ không nên tự ý mua thuốc, mua kháng sinh cho trẻ về điều trị tại nhà. Nếu trẻ mắc cúm, nhiễm virus bị ho, sổ mũi mà cha mẹ lại dùng kháng sinh bệnh sẽ không khỏi mà còn nặng hơn. Chưa kể việc dùng kháng sinh bừa bãi, không đúng thuốc, không đủ liều còn khiến trẻ dễ kháng kháng sinh, bệnh nhẹ cũng khó khỏi.

"Mùa lạnh sức đề kháng của trẻ kém nên trẻ cũng dễ mắc cúm. Do đó, cha mẹ nên đưa con đi tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, có thể giảm tới 90% nguy cơ mắc cúm", PGS Dũng khuyến cáo.

Người già cần chú ý đi khám sớm

Những ngày rét lạnh vừa qua, số lượng bệnh nhân cấp cứu nhập viện tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) tăng khoảng 20%. Các bệnh lý người già thường mắc phải là viêm họng, viêm phổi, hen phế quản hoặc các bệnh mãn tính diễn biến nặng như tim mạch, thần kinh, Alzheimer...

Trời lạnh làm gia tăng các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... Huyết áp tăng cao dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ...

Bệnh viện Hữu Nghị, số bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng 15 - 20% so với ngày thường, chủ yếu là bị bệnh viêm đường hô hấp, như viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo bác sĩ Trần Mạnh Bắc (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), trời rét đậm nên người già mắc các bệnh mãn tính (hen suyễn, huyết áp cao, đái tháo đường...) thường dễ đổ bệnh. Tuy nhiên, họ thường có tâm lý ngại làm phiền con cháu nên gắng chịu đựng đến khi các triệu chứng nặng lên, không giấu được mới đi khám... Do đó, không ít trường hợp nhập viện đã diễn biến nặng, khó khăn cho việc điều trị.

"Người dân, đặc biệt là người cao tuổi không nên bỏ qua các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, khó thở, yếu nửa người. Khi thấy có dấu hiệu như vậy nên đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời", bác sĩ Bắc khuyến cáo.

Diệu Linh
Theo Dân Việt