Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:02
RSS

Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm nếu lạm dụng xông hơi chữa Covid-19

Thứ ba, 22/02/2022, 12:13 (GMT+7)

Xông hơi sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng thường gặp ở F0. Tuy nhiên, việc lạm dụng xông hơi trong quá trình tự điều trị Covid-19 có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của người dân.

Sự kiện:
Covid-19

Nguy cơ khi lạm dụng xông hơi chữa Covid-19

Hiện nay, số lượng người dân mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đang tăng cao, trong đó có nhiều gia đình có tất cả các thành viên đều là F0. Trong tình hình đó, ngoài việc tiêm vaccine phòng Covid-19, kết hợp tuân thủ 5K của ngành y tế không ít F0 đang điều trị tại nhà đã chọn cách xông hơi để cảm thấy dễ chịu và giảm các triệu chứng do Covid-19 gây ra. Phương pháp này được nhiều người ưa chuộng vì khá dễ làm và sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm.

Theo những hình ảnh và nội dung được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội có thể thấy, tùy theo mỗi người và mỗi gia đình mà các thành phần và phương pháp xông hơi lại khác nhau. Nhà nào không có máy xông hơi, có thể dùng nồi lá xông, cho các thảo dược vào, đun sôi lên một lúc, hít hà dần dần từng tí một để tránh bị bỏng hơi nóng. Ngoài dùng các thảo dược nhiều người còn nhỏ thêm vài giọt tinh dầu như tinh dầu quế, chanh, sả, gừng… vào nồi lá xông để xông.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ Online, kết quả thực tế từ những bệnh nhân Covid-19 có xông mũi họng bằng tinh dầu bạch đàn, chanh, sả tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1 (TP.HCM) cho thấy họ cải thiện rõ rệt các triệu chứng hô hấp và cảm sau 3 - 5 ngày, nhưng không giảm thời gian điều trị so với những người không xông. Chính vì công dụng này, hiện nhiều người chọn xông hơi để phòng ngừa, giảm triệu chứng Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia có nhiều lưu ý trong việc xông hơi để đạt được hiệu quả và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm nếu lạm dụng xông hơi chữa Covid-19

Hiện nhiều người chọn xông hơi để phòng ngừa, giảm triệu chứng Covid-19. Ảnh minh họa

Trao đổi với Dân trí, BS Quách Duy Cường, Khoa Virus - Kí sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, xông hơi chỉ tác động ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào, do đó không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19.

Theo bác sĩ Cường, mục đích của phương pháp xông là làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn. Từ đó, xông hơi giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh cảm giác thư giãn, thoải mái hơn. 

Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh, Phụ trách Phòng khám, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị cũng khẳng định, xông hơi không có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 hay chữa khỏi Covid-19. Việc xông hơi bằng các loại thảo dược như: gừng, sả, lá chanh, tỏi… sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng thường gặp ở F0 như: ngạt mũi, đau rát họng.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc Phòng) cho hay, xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus, phương pháp này chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Theo bác sĩ Hoàng, việc người dân lạm dụng xông hơi trong quá trình tự điều trị Covid-19 sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Do đó, BS Hoàng khuyến cáo, F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên xông nhiều hơn một lần mỗi ngày và mỗi lần không quá 20 phút.

Về vấn đề này, TS Bùi Lê Minh, Trưởng Ngành công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành phân tích, theo lý thuyết, ở nhiệt độ cao 60-70 độ C thì thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, lưu ý là khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể, chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào. Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước, và với cách làm này, bạn đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus.

Theo TS Bùi Lê Minh, người dân có thể sẽ gặp phải một số nguy hiểm nếu lạm dụng xông hơi hoặc xông không đúng phương pháp như: nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác khi xông hơi; nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus; nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt, tăng cơ hội lây lan của virus; nguy cơ bị sốc nhiệt…

Xông hơi đúng cách để đạt được hiệu quả tốt nhất

Trong khi đó, chia sẻ với Tuổi trẻ Online, TS Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kiêm phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM cho biết, Khi người dân cần xông phòng, xông mũi họng, tuyệt đối không xông toàn thân vì vào ngày thứ 3, người bệnh thường có triệu chứng vã mồ hôi. Nếu xông toàn thân sẽ làm cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, làm cơ thể mất nước, suy nhược thêm.

Thời gian xông mũi nên làm trong 10 - 20 phút với 2 lần/ngày. Nếu chọn tinh dầu thì mỗi lần xông nhỏ vài giọt. Nếu dùng thảo dược tươi thì rửa sạch, thảo dược khô thì không bị nấm mốc. Người bệnh không nên lạm dụng xông quá nhiều lần có thể làm cơ thể phản ứng (co thắt lại). Ngoài ra, người dân cũng không mua tinh dầu, các loại thảo dược trên mạng khi chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng ra sao. Nếu dùng hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì gây bất lợi sức khỏe nếu xông thường xuyên.

Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm nếu lạm dụng xông hơi chữa Covid-19

Nên xông hơi đúng cách để đạt được hiệu quả và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ảnh minh họa

Điều dưỡng Lâm Lạc Thư - phó phòng điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho rằng xông thuốc lá, tinh dầu chỉ giúp làm dịu triệu chứng hô hấp, dịu thần kinh, giảm đau nhức nhưng không thể giúp ngăn ngừa hay chữa khỏi bệnh Covid-19.

Do đó, phụ huynh lưu ý không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Ngoài trẻ em thì người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.

Về xông phòng ở, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khuyến cáo có thể sử dụng các loại tinh dầu thực vật như: tràm, quế, bạc hà, chanh, bưởi... hoặc các loại lá có tinh dầu: chanh, sả, bưởi, ngũ sắc, ngũ trảo... Dùng bếp từ cá nhân hoặc bếp hồng ngoại để đun, bắc nồi nhỏ với lượng nước vừa đủ, nhỏ 5 - 10 giọt tinh dầu, đun sôi để tinh dầu tỏa trong phòng, đồng thời người bệnh ngồi trong phòng đóng kín cửa từ 5 - 10 phút, ngày làm từ 2 - 3 lần.

Về cách xông mũi, dùng nồi nấu lá có tinh dầu hay các loại tinh dầu nấu sôi, trùm lên mặt xông, thời gian xông khoảng 15 - 20 phút. Các loại lá có tinh dầu có thể chọn lựa: lá lốt, lá trầu, lá trà, lá ngũ sắc, lá bạch đàn, tỏi, sả, bồ kết, gừng, lá bưởi... Tinh dầu có thể chọn tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả...

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại