Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:39
RSS

Cho 8 nghìn quân ầm ầm tập trận gần biên giới, NATO có khiến Nga giật mình?

Thứ ba, 07/03/2017, 11:27 (GMT+7)

8.000 binh lính được triển khai tới vùng Finnmark ở phía bắc Na Uy, cách biên giới Nga 160-300 km, để cùng nhau phô diễn sức mạnh quân sự trong khuôn khổ cuộc tập trận.

Cuộc tập trận Joint Viking 2017 được khai hỏa từ ngày hôm qua (6/3) với sự tham gia của các lực lượng quân sự đến từ Anh, Mỹ và Na-uy. Đợt diễn tập này sẽ kéo dài đến ngày 15/3. Theo website của Lực lượng Vũ trang Na-uy, mục tiêu chủ yếu của các cuộc tập trận là rèn luyện năng lực quản lý khủng hoảng và phòng thủ.

Trong tổng số 8.000 quân tham gia tập trận có 700 binh sĩ đến từ Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, Lục quân Mỹ và Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh. Các binh sĩ này sẽ hòa nhập vào các đơn vị của quân đội Na-uy. Lực lượng Anh và Mỹ đã tham gia vào các cuộc diễn tập chuẩn bị để làm quen với thời tiết khác nghiệt ở đất nước Na-uy.

Hình ảnh từ cuộc tập trận Joint Viking 2017. Ảnh: RT

Trong suốt quá trình diễn ra cuộc tập trận, máy bay không người lái sẽ bị cấm đi vào không phận trong khu vực.

“Lực lượng Vũ trang Na Uy sẽ tiến hành nhiều hoạt động trên không với sự tham gia của các máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay vận tải, do vậy, để đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ thiết lập một vùng cấm bay đối với các máy bay không người lái”, phát ngôn viên của lực lượng quân đội Na Uy, ông Ivar Moen, nói với đài NRK, đồng thời cho biết thêm rằng phía Nga đã được thông báo trước về cuộc tập trận Joint Viking năm nay.

Hình ảnh từ cuộc tập trận Joint Viking 2017. Ảnh: RT

Trước đó, 300 lính thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ đã được triển khai từ North Carolina, Mỹ tới Na Uy hồi tháng 1. Là một thành viên sáng lập của NATO và chung biên giới với Nga, Na Uy từng cam kết sẽ không cho phép quân đội nước ngoài được triển khai trên lãnh thổ của mình, nhằm xoa dịu mối lo ngại của Moscow rằng khu vực này có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng. Theo đó, trong hàng chục năm qua, Na Uy chỉ cho phép binh lính nước ngoài tới đây vì mục đích huấn luyện.

Do vậy, việc Mỹ đưa quân tới Na Uy, theo giải thích của Oslo, chỉ mang tính chất tạm thời và là những cuộc triển khai luân phiên, chứ không đồn trú lâu dài.

NATO tập trận quy mô lớn ngay sát biên giới Nga tháng 5/2016. Ảnh: ANTV

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus