Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:36
RSS

Ông Đoàn Ngọc Hải đòi vỉa hè cho người đi bộ: Chỉ hành động kiểu “cắt ngọn” thì chưa đủ!

Thứ năm, 02/03/2017, 13:27 (GMT+7)

Những ngày qua, dư luận ồn ào trước việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Quận 1 (TP.HCM) trực tiếp cùng các cán bộ chức năng quyết tâm lập lại trật tự đô thị.

Những ngày qua, dư luận ồn ào trước việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBNQ Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) trực tiếp cùng các cán bộ chức năng quyết tâm dọn dẹp, sắp xếp lại trật tự vỉa hè, trả lại sở hữu đúng nghĩa cho người đi bộ. Có thể nói, nhiều người dân đã “nín thở” dõi theo từng bước chân của ông Hải và thuộc cấp.

Ông Hải và đoàn đi đến đâu, ở đó xảy ra những cảnh phá dỡ, dọn dẹp, thu hồi, lập biên bản. Nhỏ là các vật dụng bán hàng lấn chiếm vỉa hè. Lớn hơn là các xe dừng đỗ, bàn ghế của các hàng quán kê xếp sai quy định.

Xe của Hoa hậu quý bà chắn ngang đường, khiến người dân khó đi lại. Ảnh Một Thế Giới

Lớn nhất, gây ầm ĩ nhất cho đến nay có lẽ là việc ông Hải đã cho phá dỡ cả bốt canh gác bảo vệ của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, do phía đại diện ngân hàng có những giải trình phù hợp, ông Hải đã tiếp tục cho bốt canh gác đó hoạt động trở lại?!?

Sự cương quyết của ông Hải trở thành đề tài tranh luận sôi nổi cả trên báo chí chính thống lẫn các trang mạng xã hội Người khen không ít, kẻ chê cũng nhiều.

Người khen đa phần là những thành phần không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành động của ông Hải. Đương nhiên rồi. Họ là công dân của các nơi khác, nhưng tỏ ra thích thú, sung sướng khi lâu rồi mới được chứng kiến một vị quan chức cấp quận dám miệng nói tay làm, thẳng băng ruột ngựa.

Ngay cả các cơ quan công quyền, ông cũng không hề e dè, nể nang. Thậm chí, gặp cả “mỹ nhân” là một cô Hoa hậu quý bà, đỗ xe sai quy định, ông cũng không hề vì nhan sắc mà làm siêu lòng quân tử. Phạt. Phạt tuốt. Phạt hết. Bất kể đó là ai. Đó dường như là mệnh lệnh, khẩu hiệu hành động của ông.

Bên cạnh những lời khen ngợi, tung hô, cổ vũ, những người dè bỉu, phản bác ông Hải cũng không ít. Họ là những luật sư, ngồi phân tích tính pháp lý và cho rằng ông Hải không tuân thủ đúng quy trình xử phạt vi phạm hành chính.

Họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động của ông Hải, vì từ trước tới nay, vỉa hè đang là khoảnh đất béo bở để họ mưu sinh. Cá biệt, có cả những nhà báo, hotfacebooker lên tiếng phản đối vì cho rằng ông đang là “con rối”, thích “làm màu”, bị giật dây bởi người khác.

Mặc kệ những lời thị phi đủ kiểu, ông Hải vẫn hừng hực khí thế xung trận. Và có vẻ, quyết tâm của ông ngày một cao hơn. Tất nhiên, ông đã gặp không ít những trở ngại bước đầu. Nhưng, điều đó không khiến ông chùn bước, nhất là khi lãnh đạo Thành phố vừa ra chỉ đạo các quận khác trên địa bàn phải đồng loạt ra quân, chấn chỉnh, sắp xếp lại trật tự vỉa hè, trả lại nó cho người đi bộ, giống như mô hình Quận 1.

Ngoài ra, ở đầu này đất nước, nơi trung tâm Thủ đô, Quận Hoàn Kiếm cũng bắt đầu ra quân, đồng hành cùng Quận 1. Đó có thể coi là sự động viên, cổ vũ to lớn để ông Hải tiếp tục xông pha trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của mình. Càng có nhiều “đồng minh”, ông càng thêm quyết tâm và thể hiện rõ quan điểm: “Sẽ làm đến cùng, không có chuyện ra quân xong rồi bỏ đấy!?!”.

Người nhà Hoa hậu Thu Hoài tới giải thích song không được đoàn công tác của ông Đoàn Ngọc Hải chấp nhận. Ảnh Một Thế Giới

Dù ủng hộ ông Hải, nhưng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã “úp mở” nhắc nhở: Quyết tâm thì tốt, nhưng phải đúng luật. Tất nhiên rồi, làm gì chẳng phải đúng luật? Với một vị trưởng đoàn công tác đi thực thi pháp luật thì việc thực hiện đúng luật càng phải đề cao hơn. Nhưng chỉ đúng luật, đã đủ chưa? 

Tôi rất ngưỡng mộ hành động của ông Hải cũng như các quận khác ở TPHCM và Hà Nội, song, thật sự, lại không tin tưởng lắm vào tính dài hơi và hiệu quả của những đợt “ra tay” này. Thực tế thì từ nhiều năm nay, cái thuật ngữ " ra quân chỉnh trang đô thị" đã không còn xa lạ với nhiều người.

Cứ vài tháng, người ta lại thấy... ra quân một lần. Nhưng kết quả là gì? Hầu như đâu lại vào đấy. Có khi sau đó còn trầm trọng hơn. Nói thế để thấy động đến vỉa hè là điều ko hề đơn giản. Vì ở các thành phố nước ta, từ lâu đã sinh ra một thứ gọi là " văn hóa vỉa hè". Hầu như con phố, con ngõ nào cũng có đầy rẫy nhấp nhô những hộ dân mưu sinh trên đó.

Một lượng lớn công dân của thành phố và những người ngoại tỉnh coi vỉa hè là mảnh đất kiếm sống của họ. Vỉa hè còn là nơi sinh hoạt, tụ tập, vui chơi của không ít người, là nơi các phương tiện giao thông chen nhau dừng đỗ. 

Ngoài ra, có thể thấy, hiện nay thói quen đi bộ của người dân ta chưa nhiều. Chủ yếu vỉa hè tại các phố trung tâm là để cho khách du lịch nước ngoài đi, còn lại là số ít các cụ già bách bộ ngắm phố phường hoặc các cháu học sinh thẩn thơ khi tan lớp.

Số cán bộ, công sở, công nhân đi bộ trên vỉa hè để đến chỗ làm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ cần vài bước chân, họ cũng phải ngồi trên xe. Với thói quen ấy, kể cả vỉa hè có quang đãng thật, chưa chắc đã thu hút được đông đảo người đi bộ tham gia.

Ngoài xe của Hoa hậu Thu Hoài, nhiều ô tô lấn chiếm lòng, lề đường khác cũng bị xử phạt và cẩu về trụ sở phường trong sáng 28/2. Ảnh Trí Thức Trẻ

Và chắc chắn, người ta vẫn lén lút, chờ lúc cơ quan chức năng không có mặt để tranh thủ bày bán hàng hóa, hoặc dừng, đỗ xe chớp nhoáng giải quyết việc riêng. Khi nào thấy bóng cơ quan chức năng thì lại…chạy. 

Vì vậy, để giải bài toán giao thông, để vỉa hè thực sự được trả lại cho nó đúng chức năng vốn có, tôi nghĩ, việc quan trọng không phải là có bao nhiêu ông Hải, mà điều cần hơn là những giải pháp đồng bộ, dài hơi của các cơ quan chức năng.

Muốn vỉa hè thông thoáng, trước hết, họ phải tìm cách để những người mưu sinh trên đó, những chiếc xe không biết để đâu ngoài để ở đó có được những điểm đến hợp lý, hài hòa. Vẫn xin cảm ơn và bày tỏ lòng ngưỡng mộ với ông Hải, nhưng thú thực, chỉ hành động kiểu “cắt ngọn” như ông là chưa đủ đâu!!!

 

Hưng Yên
Theo Đời sống Plus