Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:40
RSS

Căn bệnh lạ khiến cô gái 27 năm mang hình hài đứa trẻ lên 2, chỉ duy nhất 1 lần cất tiếng nói

Thứ sáu, 09/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Tất thảy mọi người đều ngã ngửa khi biết tuổi thật của "đứa trẻ" vẫn thường lũn cũn ngồi chơi nơi bậu cửa ấy. Và, phía sau câu chuyện "tìm tuổi thật" ấy là cả một nỗi đau dài...

Cô gái không bao giờ lớn

Tôi tìm về đội 5, xóm Đồng Cả (xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên) trong một buổi chiều mưa tầm tã. So với khoảng thời gian cách đây vài năm trước, đường về Hùng Sơn nay đã khang trang, dễ đi hơn rất nhiều.

Từ con đường lớn băng qua khoảng gần 2km đường bê tông là đến được giáo xứ Đại Từ. Nằm sát bên cạnh khuôn viên giáo xứ ấy có một căn nhà nhỏ cũ kĩ. Đó là căn nhà của gia đình bà Trần Thị Nguyễn và ông Đỗ Văn Lai.

Co gai khong bao gio lon - Do Thi Dung 1

Ngôi nhà của gia đình bà Trần Thị Nguyễn. Ảnh: Duẩn.

Đây cũng là nơi ở suốt 27 năm qua của chị Đỗ Thị Dung (27 tuổi). Cô gái được người dân nơi đây gọi với cái tên thân mật nhưng cũng đầy đau thương – cô gái không bao giờ lớn.

Tôi gọi cửa một hồi lâu nhưng không có ai trả lời, bên trong căn nhà vẫn mở cửa chỉ có một "bé gái" mặt cúi gằm đang chăm chú nghịch chiếc dây có buộc vài sợi nịt. Chờ bên ngoài khoảng 5 phút thì bà Trần Thị Nguyễn tất tả chạy về mở cửa cho khách vào nhà.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 2

Mặc dù năm nay 27 tuổi nhưng chị Dung nhìn không khác gì một đứa trẻ lên 2. Ảnh: Duẩn.

Biết tôi muốn gặp chị Đỗ Thị Dung, bà Nguyễn nở nụ cười chua chát chỉ tay về phía “đứa bé” đang cắm cúi nghịch vài sợi nịt ban nãy giọng trầm trầm: “Đây, Dung đây, con gái tôi đây. 27 năm trời mới chỉ có bằng này thôi”.

Mặc dù trước khi về mảnh đất này, tôi đã cố gắng hình dung ra được phần nào hình dáng của chị Dung nhưng thật kinh ngạc khi tất cả những hình dung đó đều không đúng một chút nào.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 3

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung bên đồ chơi yêu thích của mình. Ảnh: Duẩn.

Theo quan sát ban đầu, chị Dung cao khoảng 70cm, nặng chừng 14kg, ngoại trừ khuôn mặt có phần in hằn dấu vết của thời gian và mái tóc lưa thưa đã rụng gần hết, còn lại nhìn chị không khác gì một đứa trẻ lên 2.

Chị Dung sinh năm 1990 là con thứ 2 trong trong số 5 người con của gia đình ông Lai bà Nguyễn. Khi mới sinh, chị nặng hơn 3kg và vô cùng xinh xắn. Ở vào hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn, chạy ăn từng bữa, cân nặng của chị vượt trội so với những đứa trẻ lúc mới lọt lòng mẹ.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 4

So với đứa cháu chưa đầy 1 năm tuổi, chị Dung không lớn hơn là bao. Ảnh: Duẩn.

“Gia đình tôi sinh được 5 người con, Dung là thứ 2, thằng anh trước sinh ra nặng 2,4kg, những đứa em sau cũng không có đứa nào lúc mới sinh mà nặng bằng Dung. Con bé xinh xắn, đáng yêu, khỏe mạnh là thế nào ngờ”. bà Nguyễn bùi ngùi nhớ lại.

Trong dòng kí ức đau thương của bà, những hình ảnh người con gái khốn khổ dần dần hiện lên. Bà kể, vào năm chị Dung được 6 tuổi, như bao gia đình khác có con nhỏ, bà bế con lên trạm y tế của xã để tiêm phòng lao. “Lúc đó, cháu cũng đang bị ốm sẵn, sức khỏe không được tốt rồi. Không biết có phải vì thế mà bệnh phát ra bên ngoài hay không”? Bà Dung cho biết.

Chị Đỗ Thị Dung bên người em gái  Đỗ Thị Thơm và đứa cháu của mình. Clip: Duẩn.

Sau khi tiêm phòng về, khoảng một tuần sau đó, một chiếc hạch lớn xuất hiện ngay dưới nách của chị Dung. Theo thời gian, cái hạch đó mỗi ngày một lớn. Bà Nguyễn kể lại: “Gia đình tôi phát hiện thấy cái hạc đó khá to nhưng không dám làm gì vì sợ nó sẽ gây biến chứng cho con bé.

Một thời gian sau, chúng tôi có đưa cháu đi khám tại bệnh viện huyện thì các bác sĩ cũng không dám can thiệp và khuyên nên đưa cháu đi khám tại bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, lúc đó kinh tế gia đình khó khăn nên gia đình tôi cũng không đưa cháu đi khám được”.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 5

Bà Trần Thị Nguyễn - mẹ chị Dung chia sẻ với PV. Ảnh: Duẩn.

Một năm rưỡi sau, chiếc hạch dưới nách chị Dung lớn bằng nắm tay rồi vỡ và gây sưng, viêm. Kể từ lúc đó, sức khỏe của chị Dung bắt đầu có chuyển biến xấu. Người chị cứ yếu dần đi, dặt dẹo và đặc biệt là trong khoảng thời gian từ đó trở về sau thân hình chị Dung cứ như đứa trẻ 2 tuổi mà không thấy phát triển.

Lo lắng cho con, gia đình bà Nguyễn lại lặn lội đưa con đến một vài cơ sở y tế để thăm khám nhưng kết quả của bác sĩ khiến gia đình chị rất bất ngờ: “Họ bảo con tôi không có bệnh tật gì, rồi dần dần cháu sẽ phát triển như người bình thường”, bà Nguyễn nhớ lại.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 6

Chiếc túi đựng đồ đạc của mình luôn được chị Dung mang theo. Ảnh: Duẩn.

Suốt những năm tháng sau đó, cơ thể chị Dung vẫn không thấy sự phát triển, trong khi các bạn bè cùng lứa lớn nhanh như thổi thì chị Dung vẫn chỉ bé như một đứa trẻ 2 tuổi, không hơn không kém.

Sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, ông Lai và bà Nguyễn lại vay mượn tiền, tất tả đưa con lên bệnh viện trung tâm tỉnh Thái Nguyên để thăm khám. Tại đây, sau nhiều bước kiểm tra, xét nghiệm, các bác sĩ xác định chị Dung bị não úng thủy.

Thời bấy giờ, não úng thủy là một căn bệnh rất hiếm gặp và rất khó để có thể chữa trị dứt điểm. “Các bác sĩ khuyên gia đình tôi cứ đưa cháu về, khi nào tìm được phương pháp chữa trị họ sẽ liên lạc cho gia đình.

Tuy nhiên, suốt trong nhiều năm sau đó, con tôi vẫn như vậy trong khi không có một thông tin gì về khả năng chữa trị từ phía bệnh viện.

Thiếu nữ 27 tuổi trong hình hài đứa trẻ lên 2

Bà Nguyễn cho biết, mặc dù thân hình cứ mãi bé như vậy nhưng trước đây, sức ăn của chị Dung rất tốt: “Gia đình tôi ăn gì thì cháu ăn thức ấy. Lớn lên thêm một vài tuổi nữa, cháu đã có sự lựa chọn cho bữa ăn của mình. Thay vì như trước, bây giờ, gia đình tôi mỗi khi đi chợ đều phải hỏi xem cháu thích ăn thức gì.

Nếu cháu đòi ăn mà bữa đó không có nhất định cháu sẽ không ăn nữa nên thấy con đòi ăn gì, gia đình tôi đều phải cố gắng mua cho bằng được. Ngoài ăn cơm ngày 3 bữa cùng gia đình, tôi còn phải cho cháu thêm tiền để mua quà bánh, bim bim để ăn”, bà Nguyễn nhớ lại.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 7

Căn bệnh quái ác khiến phần đầu chị Dung đã rụng gần hết tóc. Ảnh: Duẩn.

Nhiều năm trôi qua sau đó, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Việc đưa con lên thăm khám tại các bệnh viện trung ương vượt quá khả năng cho phép của gia đình nên bà Nguyễn đành phó mặc số phận của con cho ông trời định đoạt.

“Chẳng làm sao được chú ạ. Tiền ăn còn phải chạy vạy khắp nơi, nói gì đến số tiền mấy trăm triệu đồng chữa bệnh cho cháu. Bố mẹ nào chẳng thương con nhưng chúng tôi cũng không thể làm khác được” bà Nguyễn vừa nhìn cô con gái đang chơi ở bậc cửa vừa nghẹn ngào.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 8

Đồ đạc của bản thân luôn được chị Dung cất rất kĩ. Ảnh: Duẩn.

Năm chị Dung 19 tuổi, băn khoăn vì nguyên nhân khiến con gái mãi mãi nhỏ bé như một đứa trẻ, gia đình bà Nguyễn lại lặn lội vượt hàng chục cây số đưa con lên bệnh viện tỉnh Thái Nguyên một lần nữa.

Cũng như lần trước, các bác sĩ cho biết căn bệnh của chị Dung rất khó chữa trị. Trong nước chưa đủ khả năng để chữa trị. “Họ bảo nếu đưa con tôi ra nước ngoài may ra còn có hi vọng. Nhưng câu nói đó xa vời quá. Thôi thì chúng tôi đành phó mặc tính mạng cháu cho ông trời”, bà Nguyễn Tâm sự.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 9

Thời gian gần đây, sức khỏe của chị Dung đã yếu, chị không còn tự mình đi lại được nữa mà chỉ ngồi một chỗ. Ảnh: Duẩn.

Theo như lời bà Nguyễn, bình thường chị Dung rất ít nói, ít cười, trong gia đình tổng cộng 7 người, chị Dung thân nhất với cô em gái thứ 4 là chị Đỗ Thị Thơm. Tuy nhiên, từ khi chị Thơm đi lấy chồng, hầu như chị Dung không bao giờ nói chuyện với ai, chỉ lặng lẽ ngồi một mình ở bậc cửa.

“Con tôi trước còn đi ra được quán hàng đầu xóm để mua gói bim bim, nhưng lâu ngày không thấy nó ra đấy nữa. Tôi có gặng hỏi thì cháu bảo ra ngoài, người làng nhìn thấy cứ hay trêu ghẹo về hình hài nên cháu mặc cảm. Bây giờ, có thèm ăn gì thì nhờ mẹ ra mua hoặc thấy nhìn thấy ai là lại gọi vào đưa tiền cho người ta mua hộ”, bà Nguyễn cho biết.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 10

Người duy nhất có thể nói chuyện được với chị Dung là cô em gái Đỗ Thị Thơm. Ảnh: Duẩn.

Con mang bệnh lạ, gia đình được xếp vào dạng cùng đinh nhất nhì của xã Hùng Sơn nhưng một lần nữa, số phận lại tiếp tục thử thách bà Nguyễn. khi người con thứ 3 là chị Đỗ Thị Linh (24 tuổi) từ khi sinh ra đến giờ lại có dấu hiệu không bình thường về thần kinh.

Linh hay nói, hay cười, lắm lúc lại không nói không rằng cả tuần liền. Mặc dù đã lớn nhưng Linh hầu như không thể giúp mẹ được việc gì. Chưa dừng ở đó, đứa con trai út của bà là em Đỗ Duy Thiệp năm nay học lớp 6 nhưng thân hình cũng còm cõi, nhỏ bé hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 11

Chị Dung khoe chiếc vòng cổ mới mua của mình. Ảnh: Duẩn.

Người bạn đời cùng bà chèo chống cho con thuyền gia đình bao năm nay cũng đột ngột ra đi sau một tai nạn lao động. Gánh nặng gia đình lại dồn cả lên đôi vai gầy yếu của bà Nguyễn.

Nhìn người con gái bệnh tật đang ngồi lặng lẽ ở bậc thềm, bà Nguyễn không giấu được sự xót xa. “Từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa được nghe thấy một tiếng gọi mẹ của cháu. Cháu chỉ nói được những từ ngữ rất ngắn và khó hiểu.

Phút chơi đùa của chị Dung bên cô em gái. Clip: Duẩn.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao, vào lúc đưa bố cháu từ trên Thái Nguyên về làm ma, cháu tự nhiên đi ra chỗ bố đang nằm, gọi lớn 3 câu rất dõng dạc: “Bố ơi dậy đi”. Kể từ đó đến giờ, cháu lại chẳng bao giờ mở lời nữa.

Nhiều lúc nằm trên giường, tôi có gợi câu chuyện để nói với con. Tuy nhiên, cháu cũng không nói không rằng, nghe mẹ nói xong là lại cúi mặt xuống chiếu. Họa lắm mới có lúc cháu phát ra được tiếng ú ớ nhưng nghe không hiểu gì”.

27 năm mang trong mình hình hài một đứa trẻ nhưng có một điều lạ là chị Dung rất ít khi bị đau ốm gì. Gia đình bà Nguyễn cũng chưa phải một lần đi mua thuốc cho con. “Thỉnh thoảng cháu có bị đau bụng những lúc như vậy chỉ cần xoa dầu gió một lúc là cháu lại bình thường, không cần thuốc thang gì”, bà Nguyễn cho biết.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 12

2 năm trôi qua, chị Dung vẫn giữ chiếc khăn tang kỉ vật trong ngày bố mất. Ảnh: Duẩn.

Dạo gần đây, thời tiết nóng nực, sức khỏe yếu đi nhiều nên mỗi bữa khó khăn lắm chị Dung mới ăn được lưng bát. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết thay đổi thất thường, có đến hai, ba ngày chị Dung không ăn được cơm. “Sợ con đói, mua cho cháu gói bim bim nhưng cháu cũng chỉ nhặt vài cái rồi lại bỏ đó. ”, bà Nguyễn tâm sự.

Ngồi nhiều khiến thân hình của chị Dung cũng trở nên yếu ớt. Một bên hông và bụng phình to trong khi bên còn lại hóp cả vào khiến việc đi lại của chị ngày càng trở nên khó khăn.

Cô gái không bao giờ lớn - Đỗ Thị Dung 13

Điều bà Nguyễn lo lắng là cậu con út Đỗ Duy Thiệp năm nay lên lớp 6 nhưng thân hình cũng gầy còm, bé nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Ảnh: Duẩn.

“Nhiều lúc muốn đi nhưng chưa đứng lên được là cháu lại ngã xuống. Những lúc như thế, muốn lại đỡ nhưng con lại đẩy tay ra. Thế rồi hai mẹ con lại ôm nhau khóc”, bà Nguyễn nghẹn ngào nói trong nước mắt.

Chia tay gia đình bà Nguyễn, lòng tôi không khỏi dâng trào những cảm xúc khó tả. Cuộc đời con người có nhiều ước mơ, hoài bão nhưng với bà Nguyễn, ước mong duy nhất của bà bây giờ là được nhìn thấy đứa con gái mãi bé bỏng của mình được một lần lớn lên.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN