Thứ năm, 25/04/2024 | 11:03
RSS

Nỗi sợ hãi "phải vào trại mồ côi" của hai cháu bé có mẹ mang đôi chân người khổng lồ

Thứ sáu, 26/05/2017, 07:00 (GMT+7)

Hơn chục năm nay, đôi chân khổng lồ khiến việc đi lại của chị Tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, những khi trái gió trở trời, đôi chân ấy lại sưng múp lên, tấy đỏ như một quả gấc chín.

Đôi chân to bất thường sau khi lần gặp tai nạn

Tìm về thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) hỏi về chị Phạm Thị Tỉnh (hay còn được gọi với cái tên Tỉnh “chân voi”) thì không một ai là không biết. Ở xã, người ta ví chị Tỉnh chẳng khác nào một người nổi tiếng.

Thông thường, những người nổi tiếng là những người có khả năng đặc biệt, tài năng xuất chúng hoặc chí ít là có nhiều đóng góp cho địa phương nơi họ đang sinh sống, nhưng chị Tỉnh không thuộc những đối tượng đó. Người phụ nữ ấy nổi tiếng chỉ vì chị có một đôi chân to một cách bất thường và gia đình chị được xếp vào hạng cùng đinh ở thôn Nội Lễ.

Chị Tỉnh chân voi 1

Căn nhà mới cất của gia đình chị Tỉnh bằng nguồn tài trợ của UBND xã và Hội Phụ nữ. Ảnh: Duẩn.

Tuy có vẻ ngoài dị biệt, kinh tế lại chẳng khá khẩm gì nhưng mỗi khi nhắc đến chị Tỉnh, những người dân nơi đây đều dành cho chị một sự cảm thông đặc biệt, một sự yêu thương.

Ngôi nhà của gia đình chị Tỉnh nằm sâu hun hút trong con ngõ nhỏ. Khi chúng tôi tìm đến, chị Tỉnh đang cùng hai cô con gái thông thuê tâm sen. Đây cũng là công việc duy nhất đem lại nguồn thu nhập của gia đình chị.

Trong ngôi nhà mới cất dựa vào nguồn tài trợ của UBND xã và Hội Phụ nữ, thứ đáng giá nhất có lẽ là chiếc tivi đã cũ do một tổ chức thiện nguyện trao tặng cho gia đình.

Chị Tỉnh chân voi 2

Chiếc ti vi được một hội thiện nguyện tặng là món đồ giá trị nhất trong nhà chị Tỉnh: Ảnh: Duẩn.

Người phụ nữ mời khách vào nhà, từng bước lê đôi bàn chân nặng nề đi rót nước. Đặt cốc nước lọc trước mặt khách, chị Tỉnh cười: “Chú thông cảm, nhà chị không có chè quạt gì, chú uống tạm cốc nước lọc”.

Khi được hỏi về đôi chân to bất thường của mình, chị Tỉnh đưa ánh mắt xa xăm hồi tưởng lại rồi cất giọng trầm buồn kể. Câu chuyện của chị dài, lan man, thỉnh thoảng lại được điểm xuyết những chi tiết không liên quan nhưng đại khái có thể được tóm lược như sau.

Năm chị 17 tuổi, trong một lần đạp xe đi chơi, chị Tỉnh bị ngã xe. Vết thương dài và sâu khiến chị không thể di chuyển được trong một thời gian dài.

Chị Tỉnh chân voi 3

Đôi chân to bất thường của chị Tỉnh. Ảnh: Duẩn.

“Trong một lần giúp gia đình lấy phân mang ra đồng, tôi để cả chiếc chân vẫn còn chưa lành hẳn bước vào chuồng phân của gia đình. Ngay buổi tối hôm đó, chân tôi có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng nặng.

Mặc dù gia đình đã đưa đến nhiều thầy lang để bốc thuốc, chữa bệnh nhưng vết thương ở chân không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thế rồi theo thời gian, đôi chân của tôi cứ thế phình to ra, bì lại như chân voi”, chị Tỉnh nhớ lại.

Sau này khi có điều kiện, gia đình đã đưa chị đi khắp các bệnh viện đa khoa từ huyện cho đến tỉnh để chạy chữa nhưng đều không khỏi. Nơi thì bảo chị bị viên khớp, nơi thì bảo chị bị nhiễm trùng dẫn đến đôi chân sưng lên.

Đi lại thăm khám nhiều nơi mà vẫn không khỏi, chị Tỉnh phó mặc cho số phận. Kể từ đó, đôi “chân voi” gắn liền với cuộc đời của chị.

Chị Tỉnh chân voi 4

Đôi chân chị Tỉnh to nhưng không tê bì, chị vẫn có thể di chuyển được bằng đôi chân ấy. Ảnh: Duẩn.

“Năm trước (2016), tôi có ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương để khám thì được các bác sĩ cho biết tôi mắc phải căn bệnh giun chỉ phù voi. Họ bảo bệnh của tôi để lâu đã ngấm vào máu rồi nên rất khó chữa.

Hơn nữa, chi phí chữa trị cũng rất tốn kém nên họ khuyên tôi mua thuốc về uống và điều trị cầm chừng”, chị Tỉnh cho hay.

Chị Tỉnh cho biết, mặc dù chân bị phù nhưng vẫn có cảm giác chứ không hoàn toàn chai lì. Tuy nhiên, cứ khi thời tiết thay đổi là đôi chân lại sưng lên và đỏ tấy. Những lúc như thế nhìn chẳng khác nào một quả gấc chín.

Hạnh phúc mong manh và điều ước mong cho tương lai

Thời gian đầu khi mới phát bệnh, đôi chân của chị trở thành đề tài bàn tán xôn xao của nhiều người.

“Họ chế giễu, nói này nọ, thậm chí có người còn bảo tôi bị hủi rồi xa lánh, không dám tiếp xúc. Nguyên một thời gian dài sau đó tôi chỉ ở trong nhà và không mấy khi có mặt ở ngoài đường. Nếu có việc gì cần thiết cũng chỉ dám đi vào buổi tối để tránh những ánh mắt soi mói, những lời dèm pha”, chị Tỉnh nhớ lại.

Chị Tỉnh chân voi 5

Chị Phạm Thị Tỉnh (SN 1981) chia sẻ với PV. Ảnh: Duẩn.

Năm tháng trôi qua, chị Tỉnh cũng đã đến tuổi trưởng thành. Ở cái tuổi mà người ta khát khao có một tình yêu, một mái ấm hạnh phúc riêng của đời mình thì chị cũng không phải ngoại lệ.

Những tưởng với đôi chân bất bình thường của mình, sẽ chẳng ai để ý đến chị nhưng cuối cùng hạnh phúc cũng đến. Chị Tỉnh bén duyên với anh Nguyễn Văn Tiến, một người hơn chị rất nhiều tuổi.

Đám cưới quê nghèo với vài ba mâm cơm đơn sơ, giản dị để chúc mừng hạnh phúc của anh chị. Những tưởng cuộc đời như thế là đã không bất công với chị nhưng hạnh phúc lại ngắn chẳng tày gang.

Chị Tỉnh chân voi 6

Với đôi chân to, chị không thể làm được công việc gì nên chọn việc thông tâm sen thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Duẩn.

Chồng chị là một người nghiện rượu nặng. Cuộc sống của anh là chỉ là những cơn say triền miên kéo dài hết ngày này qua ngày khác.

Không đỡ đần được gì cho vợ con, người đàn ông này còn suốt ngày "tróc nã" chị để lấy tiền uống rượu. Chị Tỉnh lại hay đau ốm, đi lại khóc khăn, thu nhập bao năm nay chỉ trông chờ vào những hào lẻ có được từ nghề thông thuê tâm sen.

Năm 2009, đứa con đầu lòng của chị là cháu Nguyễn Thị Kim Anh chào đời. Những tưởng cuộc sống của chị từ đây sẽ bước sang một trang mới hạnh phúc hơn nhưng thực sự chị lại có thêm một gánh nặng.

Chị Tỉnh chân voi 7

Ngoài giờ học, cháu Nguyễn Thị Kim Anh còn cùng mẹ thông tâm sen thuê để kiếm tiền. Ảnh Duẩn.

Con thơ chào đời nhưng chồng chị tối ngày vẫn vùi mình trong rượu chè, đứa con gái đầu lòng lại hay đau ốm.

“Tiền thuốc thang lo cho con, rồi thì tiền cho chồng uống rượu. Đã nhiều đêm tôi có suy nghĩ dại dột là kết thúc cuộc sống nhưng nghĩ đến con, tôi lại cố gắng tiếp tục sống”, chị Tỉnh nghẹn ngào.

Năm 2012, khi chị đang mang thai đứa con thứ 2 chỉ còn đếm từng ngày để đến ngày sinh nở thì người chồng đột ngột qua đời do bị cảm sau khi uống rượu, bỏ lại chị cùng con nhỏ 3 tuổi.

Chị Tỉnh chân voi 8

Cháu Nguyễn Thị Kim Anh (SN 2009) con gái đầu lòng của chị Tỉnh. Ảnh: Duẩn.

Chị Tỉnh chân voi 9

Cháu Nguyễn Thị Thu Hà (SN 2012) con gái thứ 2 của chị Tỉnh. Ảnh: Duẩn.

Chồng chết, mọi thủ tục để đưa anh ra đồng cũng đều do những người hàng xóm chung tay hỗ trợ. 12 ngày sau khi chồng mất, chị Tỉnh sinh bé gái thứ 2 là cháu Nguyễn Thị Thu Hà.

Cũng kể từ khi anh Tiến mất, gia đình nhà chồng thẳng thừng từ chối chị là dâu con. Một mình chị lại vò võ nuôi hai đứa con thơ dại.

"Cũng may là cả 2 cháu đều ngoan, nghe lời mẹ. Có lần ốm nằm một chỗ cả tuần, mọi công việc đều do các cháu thu dọn. Cháu lớn năm nay lên lớp 2, ngoài giờ học, cháu cũng giúp được mẹ nấu cơm, trông coi em rồi thông thuê tâm sen.

Khổ cái là cháu hay đau ốm, nhiều lúc cháu bảo mẹ thèm một gói cháo gà nhưng trong nhà không có một đồng. Thương con nhưng tôi không biết làm sao được. Còn cháu nhỏ tháng 8 này tôi cũng sẽ cho đi học lấy cái chữ chứ như tôi bây giờ khổ lắm", chị Tỉnh tâm sự.

Chị Tỉnh chân voi 10

Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng hai con gái đã giúp đỡ được chị Tỉnh nhiều công việc nhà. Ảnh: Duẩn.

Đưa đôi bàn tay khô ráp vuốt nhẹ lên mái tóc hai cô con gái, chị Tỉnh khẽ nở nụ cười chua chát. “Tôi giờ bị như này rồi, tâm nguyện của tôi cũng chỉ muốn sống để lo cho các cháu được trưởng thành. Còn nếu có ngày tôi cảm thấy sức khỏe mình yếu đi, tôi sẽ đưa hai cháu vào trại trẻ mồ côi để nhờ xã hội nuôi dạy chúng”.

Vừa thấy mẹ nhắc đến từ trại trẻ mồ côi, đứa con gái lớn của chị lại khóc nấc lên, giọng nó lạc đi: “Không vào trại trẻ mồ côi đâu, ở nhà sống với mẹ cơ”.

Câu nói của đứa con gái bé bỏng như chạm vào trái tim của người mẹ, chị ôm con vào lòng, xoa đầu nó: “Ừ, không vào trại trẻ mồ côi”.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus