Hành trình tìm con mất tích của người đàn bà bất hạnh khiến cho ai khi được nghe câu chuyện đều cũng phải giật mình thảng thốt.
Nằm sát bên chợ đầu mối Long Biên có một xóm trọ tồi tàn, phần lớn những người sinh sống ở đây đều là những người lao động nghèo đến từ các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa ... Thu nhập của họ chủ yếu dựa vào những đồng tiền ít ỏi đến từ việc làm thuê, làm mướn quanh chợ Long Biên.
Trong xóm trọ nghèo tồi tàn ấy, có một người đàn bà năm nay đã ngoài 80 tuổi, với đôi chân què quặt vẫn ngày ngày lầm lũi, cặm cụi đi quanh chợ kiếm từ vỏ bao nilong về bán lấy tiền. Đó là bà Nguyễn Thị Sinh (hay còn được gọi là bà Phải).
Bà Nguyễn Thị Phải đang nhặt bao nilong ở chợ đầu mối Long Biên. Clip: Duẩn.
Bà Phải nổi tiếng khắp khu chợ ấy không chỉ bởi bà có hoàn cảnh nghèo khó, đáng thương mà còn bởi bà chính là nhân vật chính trong câu chuyện cảm động, thiêng liêng về tình mẫu tử, đó là hành trình tìm con mất tích với 1 năm dài lê đôi chân tật nguyền đi khắp 10 tỉnh.
Tôi đến thăm bà Phải trong một buổi trưa hè trời nóng như đổ lửa, không khí ngột ngạt khó chịu mà có lẽ không một ai muốn ra đường vào thời gian ấy. Tuy nhiên, với bà Phải thì khác. Bà bảo: “Lúc trời râm mát mà đi nhặt túi thì nhiều người nhặt hết nên phải lựa lúc nào họ không đi may ra mình còn kiếm được vài đồng bạc”.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp bà là một người phụ nữ có dáng người kham khổ với đôi chân tật nguyền, xiêu vẹo nhưng còn rất nhanh nhẹn, giọng nói lưu loát và đặc biệt là lúc nào cũng luôn chân, luôn tay làm việc. Đã bước qua cái tuổi 80 mươi mấy mùa xuân rồi nhưng hằng ngày, bà Phải vẫn phải lang thang khắp các ngõ ngách, khu chợ thuộc địa phận Long Biên (Hà Nội) để nhặt rác về bán kiếm sống.
Cứ 3h sáng, ngày nắng cũng như ngày mưa, khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì bà đã bắt đầu thức dậy, vác bao tải và lê những bước chân khó nhọc bắt đầu một ngày mưu sinh cho đến tận khi trời tối mới trở về xóm trọ để nghỉ ngơi.
Nhắc đến bà Phải, nhiều người lao động ở khu trọ này nhớ đến người đàn bà đi 10 tỉnh tìm con. Ảnh: Duẩn.
Dẫn tôi về căn phòng trọ nhỏ rộng chưa đầy 6m2 nằm ngay cạnh bên con mương quanh năm bốc mùi hôi thối, bà Phải cười héo hắt: “Cháu thông cảm nhá, mùa hè trời nóng, nhưng với tôi, không phải chịu cảnh sống ở triền đê như trước nữa là hạnh phúc lắm rồi”.
Với tay đưa cho tôi cốc nước lọc, bà Phải kể lại câu chuyện mà đến bản thân bà cũng không muốn nhắc lại “Đáng lẽ ra tôi cũng chẳng muốn nhắc lại chuyện này đâu, mỗi lần có người hỏi đến tôi lại buồn. Nhưng vì cháu tìm đến giữa lúc trời nắng như này nên tôi cũng ngồi thưa lại để cháu được biết”.
Bà Phải lại thở dài, kể lại, bà sinh ra ở vùng đất Phổ Yên (Thái Nguyên), khi còn chưa biết nói, bố mẹ bà lần lượt qua đời. Thương cô em gái còn nhỏ mà đã phải chịu cảnh côi cút, người anh trai khi đó đã lập gia đình đón bà về nuôi dạy.
Tuy nhiên, cảnh chị dâu, em chồng từ bao đời nay chẳng mấy khi hòa thuận. Gia đình đã khốn khó, nay lại có thêm một miệng ăn nên người chị dâu luôn coi bà là cục nợ, là đồ ăn bám trong nhà.
Dãy trọ của người đàn bà đi 10 tỉnh tìm con. Ảnh: Duẩn.
Cả tuổi thơ bà lớn lên trong tiếng mắng chửi, nhiếc móc cay nghiệt của người chị dâu. Khi vừa học hết lớp 2, phần vì thương anh, phần vì không chịu được tính khí của người chị dâu nên bà Phải nghỉ học để đi cắt cỏ, chăn trâu và làm thuê cho người khác.
Đến tuổi dậy thì, vì trót ham phú quý, bà được người chị dâu gả bà cho một gia đình có tiếng giàu có trong thôn. Ở cái tuổi chưa sẵn sàng cho một cuộc sống gia đình, bà đã phải khăn gói về làm dâu nhà người.
Những tưởng sau khi về làm dâu trong một gia đình giàu có, cuộc đời bà sẽ rẽ sang một trang mới. Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng như dòng nước êm trôi, bà lại phải bắt đầu với một cuộc sống địa ngục khác.
Chồng bà là một người hiền lành như có phần nhu nhược, về sống với nhau được 8 năm trời nhưng bà vẫn không thể sinh nở. “Cây khô không trái, gái độc không con” đó là câu chì triết quen thuộc mà bà luôn phải nghe suốt 8 năm ròng rã sống ở nhà chồng.
Chẳng những thế, gia đình nhà chồng lại luôn đánh đập, hành hạ, chửi bới thậm tệ. “Mẹ chồng tôi lúc nào cũng coi tôi như cái gai trong mắt. Phận làm dâu nên chỉ biết im lặng, không dám nói gì nửa lời. Mình không có con là cái tội lớn nhất của người đàn bà nên không thể nói gì được. Nhiều lúc phẫn uất quá chỉ biết tìm một góc mà khóc”, bà Phải chua chát kể.
Bà Phải bên đống vỏ bao nilong vừa thu lượm được. Ảnh: Duẩn.
Đến năm thứ 9 về làm dâu thì bà có bầu. Gia đình nhà chồng đột nhiên thay đổi thái độ, không bắt bà làm những việc nặng nhọc như trước nữa. Bà bảo, từ khi về làm dâu, quãng thời gian 9 tháng mang bầu là thời gian bà còn thấy mình được tôn trọng.
Tuy nhiên, sự vui vẻ, thoải mái cùng những bữa ăn đủ chất của nhà chồng không được bao lâu khi bà sinh hạ một bé gái. “Cái mà họ muốn là một đứa con trai để nối dõi tông đường chứ không phải loại "vịt trời”, bà Phải nhớ lại.
Một tháng sau khi đứa con bé bỏng của bà chào đời, bà bị gia đình chồng đuổi đi khỏi nhà. Cái lý do mà họ đưa ra cũng thật đơn giản “vì không biết đẻ con trai”. Không chốn nương thân, bà Phải xin trú ẩn trong nhà kho của hợp tác xã, sống nhờ vào tình thương của những người hàng xóm, láng giềng và những người qua đường.
Những lúc nhớ con, bà lại lựa khi tối trời đứng nép trước cửa nhà chồng để có thể nhìn thấy con. Được một tháng, đứa bé nhớ mẹ cứ khóc suốt ngày đêm, gia đình nhà chồng lại gọi bà về, trao cho bà đứa bé rồi nhẫn tâm đẩy hai mẹ con bà ra ngoài đường.
Không chốn lương thân, bà Phải lại địu con lên nông trường chè Phúc Thuận xin đi hái chè thuê, kiếm miếng cơm bỏ bụng. “Thời bấy giờ, những quy định trong nông trường rất ngặt nghèo. Những người có con như tôi tuyệt đối không được làm việc. Họ mà biết chắc chắn tôi sẽ bị đuổi việc”, bà Phải nhớ lại.
Mỗi khí có cán bộ nông trường đi kiểm tra, bà Phải lại giấu đứa con gái bé bỏng vào một chỗ bí mật và tiếp tục làm việc. Ngoài thời gian làm việc ở nông trường, bà lại tranh thủ thời gian bế con đi mót chè vụn rơi vãi.
Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lộ ra, tin bà Phải có con nhỏ nhưng vẫn làm việc ở nông trường đến tai cán bộ quản lý. Bà lại ôm con cùng 20 cân chè mót được bắt tàu lên Hà Nội tiếp tục tính đường mưu sinh.
Bà định bụng sẽ bán số chè mót được để kiếm ít vốn liếng sinh sống và tìm việc làm nhưng số vốn ít ỏi đó lại bị kẻ gian nhẫn tâm lừa lấy hết. “Lúc tàu ở bến Gia Lâm chuẩn bị chạy sang ga Hàng Cỏ, do sơ ý, đầu của con gái tôi bị ngoẹo sang một bên, va vào thành tàu, chảy máu.
Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Phải vẫn rất khỏe mạnh. Ảnh: Duẩn.
Đang trong lúc hoảng hốt không biết làm thế nào thì một người phụ nữ tiến đến bảo tôi đưa bà ấy xách hộ bao chè để có thể rảnh rang băng bó cho con. Tôi vừa cảm ơn, vừa đưa bao chè cho người phụ nữ ấy cầm giúp”, bà Phải nhớ lại.
Tuy nhiên, khi tàu đến ga Hàng Cỏ thì người phụ nữ “tốt bụng” kia cũng chẳng thấy đâu, bao tải chè làm vốn của mẹ con bà cũng không cánh mà bay. Bà vừa khóc, vừa hớt hải đi khắp các toa tàu để tìm người phụ nữ đòi lại số chè nhưng vô vọng.
Không còn một đồng bạc lẻ, bà nằm ôm con ở vỉa hè ga Hàng Cỏ nằm chờ với hi vọng gặp lại người phụ nữ lạ để lấy lại bao chè. “Người chủ quán thấy hai mẹ con rách rưới, tội nghiệp nên cứ hết khách lại mang thức ăn ra cho, lúc thì miếng cơm thừa, khi thì ít cháo loãng”, bà nhớ lại.
Cả một tháng trời đằng đẵng, bà Phải chỉ bế con quanh quẩn ở ga Hàng Cỏ. Mỗi lần nghe tiếng tàu về ga, bà lại bế con, chạy khắp các toa để tìm kiếm, mong gặp lại người phụ nữ để đòi lại hai bao chè nhưng mãi vẫn không thấy.
Mỗi ngày, bà Phải bắt đầu công việc từ lúc 3h sáng đến tận tối mịt mới về. Ảnh: Duẩn.
Không đòi được chè, lại không có tiền, bà phải bế con đi lên các khu chợ lớn, mưu sinh bằng nghề xách nước thuê cho mấy cửa hàng, tối đến lại ôm con ngủ ở cổng chợ. Cuộc sống tưởng cứ trôi qua như thế như những biến cố lại thêm một lần nữa thử thách người đàn bà bất hạnh.
Trong một ngày trời mưa tầm tã, bà để đứa con gái khi ấy mới bốn tuổi gửi một người phụ nữ bán hàng nước dưới chân cầu rồi đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập. Khi trở lại không thấy con gái đâu bà hỏi thăm thì được người bán nước nói rằng có hai người nhận là người quen với bà đã đón đứa bé đi.
Như người điên dại, bà vứt hết đồ đạc chạy đi khắp nơi để tìm con. “Không tiền, không gì cả, tôi cứ thế lê đôi chân tật nguyền hết tỉnh này sang tỉnh khác chỉ với hi vọng tìm được con. Lần đó, tôi đã suýt chút nữa bỏ mạng ở phà Tân Đệ vì đói và lạnh. May mắn sao được người dân ở đó giúp đỡ, chạy chữa, cho cái ăn.
Cuộc đời bà Phải là một chuỗi những đau thương, mất mát liên tiếp xảy ra. Ảnh: Duẩn.
Tính ra tôi cũng phải đi bộ đến 10 tỉnh để tìm con. Đi đến đâu tôi cũng hỏi, nhưng không một ai thấy. Họ lại bảo tôi thông tin về đặc điểm con gái nếu nhìn thấy họ sẽ báo”, bà Phải ngồi trầm ngâm nhớ lại.
Để có tiền sinh sống trong những tháng ngày tìm con, đi đến đâu, bà cũng xin người ta làm thuê, từ bốc vác đến dọn dẹp vệ sinh. Sau hơn một năm ròng rã, bà phải vỡ oà sung sướng khi con gái bà được một gia đình hiếm muộn ở Bắc Giang nhận nuôi.
“Gia đình đó của hai vợ chồng một người giàu có, đức hạnh. Mới đầu, họ không tin vào câu chuyện mà tôi kể. Tuy nhiên sau đó, con gái tôi thấy mẹ cứ nằng nặc theo nên họ mới chịu tin và giao lại đứa bé cho tôi.
Ở xóm trọ câu chuyện về hành trình đi 10 tỉnh tìm con bị bắt cóc của bà Phải được nhiều người biết đên. Ảnh: Duẩn.
Thật ra, lúc tiếp chuyện với đôi vợ chồng đó, biết họ là người tốt, gia đình lại khá giả nên tôi đã có suy nghĩ để lại con cho họ nuôi với hi vọng cuộc đời cháu sẽ bớt khổ. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi lại không nỡ làm vậy”, bà Phải nghẹn ngào kể.
Tìm thấy con, bà lại tiếp tục cùng con lang thang khắp nơi nhặt rác, làm thuê, hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày. Con bà chẳng được học hành, ngày ngày theo mẹ đi khắp nơi.
Năm 1997, con gái bà khi ấy đã 20 tuổi trong một lần đi làm thuê ở chợ Long Biên cùng mẹ gặp một người thanh niên quê ở Bắc Giang tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn xuống Hà Nội bốc vác. Hai người yêu nhau và được một thời gian thì anh này cùng bố mẹ đến xin được cưới con gái bà làm vợ.
Mong ước cuối đời của bà Phải là các con đều được hạnh phúc. Clip: Duẩn.
Ít lâu sau, đám cưới giữa hai người được diễn ra, tiệc cưới cũng chỉ là một bữa cơm nho nhỏ với vài người hàng xóm thân thiết. “Mới đầu tôi cũng sợ, sợ gia đình mình nghèo quá họ khinh nhưng thương con nên cũng tặc lưỡi đồng ý.
May mắn sao con gái tôi lấy được người chồng hiền lành, thương vợ con. Nhiều lần, chúng có ý muốn tôi về quê để phụng dưỡng nhưng tôi ở đây quen rồi, sợ lại làm gánh nặng cho các con nên tôi từ chối”, bà Phải cười hắt hiu chia sẻ.
Giờ đây, ở cái tuổi đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, vui vầy cùng con cháu nhưng bà vẫn phải lặn lội khắp các khu phố để kiếm miếng cơm từ nghề nhặt túi nilong. Bà bảo: “Hạnh phúc của tôi bây giờ chỉ là được thấy con cái vui vẻ, hạnh phúc. Tôi đã đi gần hết cuộc đời rồi, cũng không thấy hối hận gì nữa”.
Trong cái nắng chói chang của những ngày hè oi ả, tôi chia tay bà Phải mà trong lòng không giấu được những xúc cảm. Cuộc sống này vẫn còn tươi đẹp lắm, mong rằng bà luôn khỏe mạnh, an nhiên với ước mơ bình dị của cuộc đời bà.