Bị nhà chồng đuổi đi vì không biết đẻ…con trai.
Ngay cạnh chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) có một con đường nhỏ, dù ngày nắng hay ngày mưa vẫn ngập đầy nước thải và sình lầy. Vượt qua con đường ấy, đi dọc theo cống thoát nước, đến điểm cuối cùng là một xóm trọ nghèo. Đây là nơi mưu sinh của những phận đời sống bằng nghề cửu vạn tại khu chợ Long Biên. Trong cái “khu ổ chuột” này, thứ gì người ta cũng thiếu nhưng tình cảm của những người lao động cùng khổ dành cho nhau thì lúc nào cũng có thừa.
Bà Phải mưu sinh bằng nghề nhặt túi nilong ở chợ đầu mối Long Biên đã nhiều năm nay. Clip: Duẩn.
Trong cái xóm trọ nghèo này, mỗi con người là mỗi hoàn cảnh mà khi nhắc đến nhiều người sẽ thấy rất xót xa. Tại đây, có một người đàn bà què quặt, kiếm ăn từng bữa bằng nghề nhặt rác. Bà tên là Nguyễn Thị Phải (SN 1946, quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên).
Bà Phải nghèo, bệnh tật và “nổi tiếng” đến nỗi cứ đi vào chợ, hỏi bất cứ người lao động nào là họ có thể chỉ tường tận nơi bà phải đang sinh sống. Họa chăng hôm nào vào quá giờ bà Phải đi làm, họ lại có thể chỉ rõ những nơi bà thường đến để nhặt rác. Chính cái hoàn cảnh khổ sở, cuộc đời bất hạnh của bà khiến cho bất cứ ai nghe đến câu chuyện đều phải chú ý, thương xót.
Lối vào khu trọ ở bà Phải ở. Ảnh: Duẩn.
Bà Phải sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Phổ Yên, nơi mà bốn phía đều tựa núi, tựa rừng, người dân chỉ có thể mưu sinh bằng nghề nông. Lên hai tuổi, bà đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà được người anh trai đón về nhà nuôi. Tuy nhiên cuộc sống “em chồng chị dâu” cũng chẳng êm ấm.
Anh trai bà khi ấy đã lập gia đình, nhà đã nghèo khó, bỗng nhiên thêm một miệng ăn nên bà thường xuyên bị chị dâu hậm hực, mắng nhiếc thậm tệ. Anh trai bà cố gắng bao bọc em nên gia đình không lúc nào được bình yên, luôn xảy ra những tiếng cãi vã.
Thương anh trai, hơn nữa không muốn mình trở thành cái gai trong mắt người chị dâu nên 22 tuổi, bà Phải xuất giá theo chồng. Những tưởng, khi đã có gia đình, cuộc đời bà sẽ bước sang một trang mới, êm ấm và vui vẻ hơn nhưng bà đâu ngờ, đây lại chính là khởi đầu cho chuỗi ngày bất hạnh triền miên.
Bà Phải từng bị gia đình nhà chồng đuổi khỏi nhà chỉ vì tội không...biết đẻ con trai. Ảnh: Duẩn.
Về nhà chồng được nhiều năm nhưng không sinh được con, bà phải bị cả gia đình chồng chì chiết. “Số tôi khổ lắm, họ cần tôi về để sinh cho gia đình họ một người con trai để nối dõi nhưng nhiều năm mà tôi vẫn không có. Không chịu được cảnh nhà chồng chì chiết, nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ xứ mà đi”. Bà Phải xúc động kể.
Đang lúc tuyệt vọng thì bà Phải biết mình có thai, chín tháng mang nặng đẻ đau, thế nhưng khi sinh đứa con đầu lòng là gái, bà thậm chí còn bị gia đình chồng đối xử tệ bạc hơn lúc trước. Cái họ cần ở bà là một đứa con trai để nối dõi chứ không phải loại “vịt trời”. Một tháng sau khi đứa con bé bỏng của bà chào đời, bà bị gia đình chồng đuổi đi khỏi nhà. Cái lý do mà họ đưa ra cũng thật đơn giản “vì tôi không biết đẻ con trai”.
Không chốn nương thân, bà Phải xin trú ẩn trong nhà kho của hợp tác xã, sống nhờ vào tình thương của những người hàng xóm, láng giềng và những người qua đường. Được một tháng, đứa bé nhớ mẹ cứ khóc suốt ngày đêm, gia đình nhà chồng lại gọi bà về, trao cho bà đứa bé rồi nhẫn tâm đẩy hai mẹ con bà ra ngoài đường.
Cuộc đời bà Phải là một chuỗi những đau thương, mất mát triền miên. Ảnh: Duẩn.
Bà Phải lại địu con lên nông trường chè Phúc Thuận xin đi hái chè thuê, kiếm miếng cơm bỏ bụng. “Thời ấy, người trong nông trường thường hay đi kiểm tra, biết tôi có con nhỏ, chắc họ đuổi việc mất. Nghĩ thế nên khi họ đến kiểm tra, tôi lại phải giấu con vào một chỗ bí mật rồi lại làm việc tiếp. Nghĩ thương phận mình, rồi lại thương con, nhiều khi tôi vừa làm vừa khóc”. Bà Phải chua chát kể lại.
Bà tranh thủ làm xong việc rồi lại bế con đi mót chè vụn trong nông trường. Gom góp mấy tháng trời được gần hai chục cần chè, bà cùng con bắt xe lên Hà Nội định bụng bán chỗ chè đó đi, kiếm ít vốn sinh sống, ai ngờ lại bị kẻ gian lừa hết sạch. Bà Phải nhớ lại, lúc tàu ở bến Gia Lâm chuẩn bị chạy sang ga Hàng Cỏ, bà địu con đằng sau, hai tay cầm hai bao chè to tướng lên tàu. Bà không biết rằng đầu của con gái ngoẹo sang một bên, va vào thành tàu chảy máu.
Lúc đó, một người phụ nữ trạc tuổi chạy lại bảo xách hộ hai bao chè để bà rảnh tay băng bó cho con. Bà cứ tưởng người ta có lòng tốt nên cảm ơn và đưa hai bao chè cho người phụ nữ ấy sau đó băng bó cho con. Nhưng khi tàu xuống ga Hàng Cỏ, thì người đàn bà kia đã cùng hai bao tải chè không cánh mà bay.
Bà vừa khóc, vừa hớt hải đi tìm. Trong người không còn đồng bạc lẻ nào, tối đến bà nằm ôm con ở vỉa hè ga Hàng Cỏ bên cạnh một quán ăn. Người chủ quán thấy hai mẹ con rách rưới, tội nghiệp nên cứ hết khách lại mang thức ăn ra cho, lúc thì miếng cơm thừa, khi thì ít cháo loãng.
Bàng hoàng khi biết rằng mình bị thờ sống hơn 30 năm.
Cả tháng trời, bà Phải chỉ quanh quẩn ở ga Hàng Cỏ, mỗi lần nghe tiếng tàu về ga, bà lại bế con, chạy khắp các toa để tìm kiếm, mong gặp lại người phụ nữ để đòi lại hai bao chè nhưng mãi vẫn không thấy. Không đòi được chè, lại không có tiền, bà bế con đi lên các khu chợ lớn, mưu sinh bằng nghề xách nước thuê cho mấy cửa hàng, tối đến lại ôm con ngủ ở cổng chợ. Cuộc sống tưởng cứ trôi qua như thế như những biến cố lại thêm một lần nữa thử thách người đàn bà bất hạnh.
Trong một ngày trời mưa tầm tã, bà để đứa con gái khi ấy mới bốn tuổi gửi một người phụ nữ bán hàng nước dưới chân cầu rồi đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập. Khi trở lại thì đứa con đã bị kẻ xấu bắt cóc. “Người đàn bà bán nước bảo có 2 người, một trai, một gái nói rằng có họ hàng với tôi nên đến đón cháu về nhà. Có ngờ đâu họ bắt nó đi mất”, bà Phải nghẹn ngào nhớ lại.
Bà Phải bên đống bao nhặt được trong chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: Duẩn.
Với hai bàn tay trắng, bà lại tiếp tục hành trình gian nan đi tìm con. Ngồi suy nghĩ một hồi, bà phải nói: “Tính ra tôi cũng phải đi bộ đến 10 tỉnh để tìm con. Đi đến đâu tôi cũng hỏi, nhưng không một ai thấy. Họ lại bảo tôi thông tin về đặc điểm con gái nếu nhìn thấy họ sẽ báo”.
Để có tiền sinh sống trong những tháng ngày đó, đi đến đâu, bà cũng xin người ta làm thuê, từ bốc vác đến dọn dẹp vệ sinh. Sau hơn một năm ròng rã, bà phải vỡ oà sung sướng khi con gái bà được một gia đình hiếm muộn ở Bắc Giang nhận nuôi.
Tìm thấy con, bà lại tiếp tục cùng con lang thang khắp nơi nhặt rác, làm thuê, hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày. Con bà chẳng được học hành, ngày ngày theo mẹ đi khắp nơi. Năm 1997, con gái bà khi ấy đã 20 tuổi trong một lần đi làm thuê ở chợ Long Biên cùng mẹ gặp một người thanh niên quê ở Bắc Giang tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn xuống Hà Nội bốc vác.
Bà Phải cùng những người nhặt rác đang xé bao nilong cho nhanh khô. Ảnh: Duẩn.
Hai người yêu nhau và được một thời gian thì anh này cùng bố mẹ đến xin được cưới con gái bà làm vợ. Ít lâu sau, đám cưới giữa hai người được diễn ra, tiệc cưới cũng chỉ là một bữa cơm nho nhỏ với vài người hàng xóm thân thiết. “Mới đầu tôi cũng sợ, gia đình mình nghèo quá họ khinh nhưng thương con nên cũng tặc lưỡi đồng ý. May mắn sao con gái tôi lấy được người chồng hiền lành, thương vợ con”, bà Phải cười hắt hiu chia sẻ.
Năm 2010, con rể bà mong muốn được đưa bà về quê để ra mắt họ hàng. Dù không muốn trở lại nơi đã từng là địa ngục trần gian ấy nhưng vì sợ con buồn nên bà đã nhận lời. Hơn 30 năm mới trở về nơi chôn rau cắt rốn, chẳng mấy ai còn nhận ra bà, khi vừa đặt chân vào ngôi nhà anh trai, đứa cháu gọi bà Phải bằng cô vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đứng trước mặt mình giống hết với người trong tấm di ảnh đặt trên bàn thờ.
32 năm lưu lạc nơi đất khách trở về, bà mới biết mình bị thờ sống từng ấy thời gian. Ảnh: Duẩn.
Hỏi ra mới biết ngày bà bỏ nhà chồng đi, anh em, họ hàng có kéo nhau đi tìm một thời gian nhưng không có tung tích gì. Mọi người đồn hai mẹ con bà đã chết vì đói, vì rét. Không biết bà chết lúc nào, chỉ biết bà đi trong tháng 6, nên họ hàng chọn một ngày trong tháng 6 để cúng bái, hương khói. Tính ra, di ảnh bà cũng đã được gia đình người anh hương khói 32 năm ròng rã. (Tính từ lúc bà phải bỏ đi đến năm 2010 khi bà trở về - PV).
Giờ đây, bà lão bất hạnh chọn cuộc sống gắn liền với những vỏ bao nilong thay vì về quê. Ảnh: Duẩn.
Nói đến đây, bà Phải đưa bàn tay còn vương đầy bụi bẩn lau vội những giọt nước mắt: “Thằng cháu thấy tôi về vào nhà định gỡ bỏ hương án và di ảnh xuống nhưng tôi bảo không phải gỡ đâu, đời người ai chẳng một lần phải chết, sớm hay muộn cũng vậy thôi.
Cuộc đời tôi cũng đã chết mấy lần rồi. 40 năm ra đi thì có đến hơn 30 năm phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Còn sống được đến bây giờ, nhìn con cái hạnh phúc, ngoan ngoãn, hàng xóm đùm bọc là tôi thấy mãn nguyện, không còn hối tiếc điều gì nữa rồi”.