Vợ và 2 người con đều mắc bệnh tâm thần
Tôi đến thôn Quàn, xã Bình Xuyên (huyện Bình Giang, Hải Dương) hỏi về gia đình ông Đoàn Quang Nhiễm (80 tuổi) có 3 người con mắc bệnh tâm thần hẳn không một ai là không biết đến. Từ cổng chào của thôn, đi dọc theo con đường bê tông hướng ra phía cánh đồng sẽ thấy một con nhõ nhỏ xíu, căn nhà của gia đình ông Nhiễm nằm sâu trong con ngõ ấy.
Mấy chục năm qua, trong căn nhà đơn sơ ấy không lúc nào ngớt tiếng cười đùa. Trớ trêu thay, tiếng cười đó lại là những âm thanh đau khổ phát ra từ 2 người con cùng bị mắc bệnh tâm thần.
Vừa thấy tôi gọi cửa, một người phụ nữ đã có tuổi bước ra, trên miệng lúc nào cũng khanh khách cười. Chị chạy vào nhà, ú ớ gì đó với một một ông lão về sự xuất hiện của người khách lạ.
Căn nhà tình nghĩa được tu sửa từ số tiền quyên góp của các nhà hảo tâm. Ảnh: Duẩn.
Trong gian nhà lúc nào cũng xộc lên mùi hôi của đồ đạc lâu ngày không được vệ sinh, ông Đoàn Quang Nhiễm với dáng vẻ khắc khổ, mái tóc bạc trắng đầu từng bước chậm chậm tiến về phía tôi.
Chưa kịp nghe tôi nói gì, ông Nhiễm chỉ tay bên gian phòng nằm ngay bên hông chầm chậm mở lời: “Vào đây đi cháu, gian này nhốt một đứa, dưới kia là phòng của một đứa nữa”.
Thấy tôi vẫn còn bất ngờ trước thái độ của mình, ông Nhiễm tiếp: “Xưa nay nhiều người tìm đến để hỏi về 2 đứa nhà tôi lắm, tôi nghĩ cậu cũng vậy. Cậu cứ đi xem một vòng đi rồi vào đây uống nước, tôi sẽ thưa chuyện”.
Trong căn phòng nằm bên hông nhà không có một thứ đồ đạc gì ngoài một chiếc quạt treo tường, một chiếc bệ xây cao bên trên bày biện la liệt các thứ chăn gối.
Trên chiếc bệ, một người đàn ông dáng vẻ to lớn, khuôn mặt bặm trợn đang nằm tựa đầu vào chiếc chăn, hai chân vắt chữ ngũ, vừa rung đùi vừa nói lảm nhảm một vài câu nghe không rõ nghĩa.
Phía cuối căn phòng có một lỗ nhỏ thông ra ngoài vườn mà theo ông Nhiễm cho biết đó là lối ra của những thứ xú uế mà người đàn ông nằm đó thải ra. Không khí nồng nặc một mùi ngai ngái, hôi hôi.
Căn phòng phía bên hông nhà được ông Nhiễm thiết kế để "nhốt" người con trai bị mắc bệnh tâm thần. Ảnh: Duẩn.
Cạnh ngay sân giếng là một căn phòng khác, căn phòng này có giường, có tủ nhưng không được gọn gàng cho lắm. "Thập cẩm" các thứ đồ từ chăn chiếu, quần áo bày biện hết ở trên giường. Có vẻ như đã từ rất lâu rồi căn phòng này chưa được bàn tay ai dọn dẹp. Đó là chỗ ở của người con gái thứ 2 của ông Nhiễm, người mà ban nãy khi tôi đến đã đón tiếp tôi bằng một nụ cười rất khó hiểu.
Đớn đau thay, cả hai người con mà ông Nhiễm nhắc đến đều lần lượt bị mắc bệnh thần kinh. Lúc bình thường, lúc lại lên cơn.
Khi để khách yên vị ngồi trên chiếc ghế mây sờn rách, ông Nhiễm bắt đầu kể về cuộc đời đầy gian chuân và đẫm nước mắt của mình.
Nhiều năm trở về trước, ông Nhiễm kết hôn với bà Phạm Thị Đệ (80 tuổi), một người phụ nữ đầu óc không được bình thường. Cuộc sống gia đình trôi qua bình lặng khi bà Đệ lần lượt sinh hạ cho ông cả thảy 8 người con (6 gái, 2 trai).
Trong phòng được bố trí một lỗ nhỏ thông ra vườn, khi dọn dẹp chỉ cần phun nước vào trong. Ảnh: Duẩn.
Những đứa con ấy của ông bà đều khỏe mạnh, trắng trẻo. Tuy nhiên, khi đang tuổi ăn, tuổi lớn, sức vóc hơn người thì 3 trong số những đứa con của ông đột nhiên bị tâm thần phân liệt. Đó là chị Đoàn Thị Phương (SN 1960), chị Đoàn Thị Hiểu (SN 1975) và anh Đoàn Quang Luyến (SN 1976).
Trong số 3 người con này, chỉ có một mình chị Đoàn Thị Hiểu là tinh thần lúc tỉnh, lúc điên. Còn lại chị Đoàn Thị Phương và anh Đoàn Quang Luyến hầu như không biết gì, kêu gào, ú ớ, gây gổ, đập phá đồ đạc nhà hàng xóm.
“Không những thế, nếu cứ "chểnh mang" là chúng nó bỏ nhà ra đi, lang thang, có lần tôi phải tìm cả tháng trời mới thấy. Cũng trong một lần bỏ đi, con Phương rơi xuống sông chết đuối. Người ta phát hiện thi thể nó rồi báo về cho gia đình tôi mới biết”, đôi mắt đỏ hoe, ông Nhiễm đưa tay chỉ lên tấm ảnh thờ của con gái được đặt trên nóc tủ.
Sinh thời, chị Phương chưa một lần chụp ảnh, ái ngại cho gia cảnh nhà ông, một người ở tổ chức thiện nguyên đã phục dựng lại tấm ảnh cô con gái để ông có cái thờ cúng, hương khói.
Di ảnh được phục dựng lại của chị Đoàn Thị Phương, người con gái của ông Nhiễm bị mắc bệnh tâm thần qua đời do rơi xuống sông. Ảnh: Duẩn.
Chị Đoàn Thị Hiểu được tiếng là đỡ hơn anh Luyến và chị Phương nhưng thường phát bệnh một cách bất chợt, nhất là vào những ngày nắng nóng.
“Có hôm tôi bảo nó đạp xe sang xã bên có chút việc, rồi không hiểu phát bệnh thế nào mà một lúc sau, tôi thấy nó lững thững trở về nhà, cười hềnh hệch. Hỏi xe đâu thì bảo mất rồi”, ông Nhiễm chua chát nhớ lại.
Ngay khi biết con đổ bệnh, ông Nhiễm chạy vạy khắp nơi để có tiền đưa con đi chạy chữa. Thế nhưng hi vọng càng lúc càng ít khi bệnh tình của các con càng ngày càng trầm kha hơn.
Ít lâu sau đó, người vợ không bình thường của ông cũng đột ngột bỏ đi biệt tích mà không rõ lý do. “Bỏ thì thương và vương thì tội lắm chú ạ. Các con tôi bệnh như thế, chẳng lẽ nào cứ bỏ mặc chúng nó. Tôi còn sống ngày nào thì còn cố gắng lo cho các con được ăn, được ở tử tế”, ông Nhiễm tâm sự.
Trộn thuốc ngủ vào cơm cho con ăn
Hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, chạy ăn từng bữa nhưng lúc nào ông Nhiễm cũng tâm niệm “mình có thể đói nhưng các con thì chắc chắn không”. Nhiều lúc nhà hết gạo, ngại vay mượn hàng xóm, ông xuống bờ ao cạnh nhà cấu tạm mớ rau muống, đem luộc để mấy bố con ăn qua bữa.
Mấy năm trở lại đây, sức khỏe ông Nhiễm ngày càng yếu. Những cơn đau do di chứng của những lần mổ sỏi thận cũng theo ông hết năm này sang năm khác. “Tính ra tôi mổ sỏi 4 lần rồi, giờ hễ cứ xúc động, khóc nấc lên là ruột gan lại đau quặn lại, khổ sở lắm”, ông Nhiễm tâm sự.
Người con trai Đoàn Quang Luyến mỗi khi lên cơn thường đập phá đồ đạc nhà hàng xóm được ông Nhiễm Nhốt lại. Ảnh: Duẩn.
Năm nay đã tròn 80 tuổi, sức khỏe của ông Nhiễm đã yếu đi rất nhiều nhưng không nỡ nhìn các con phải chịu cảnh sống bẩn thỉu trong gian buồng nên cứ 2 ngày ông lại dọn dẹp cho chúng một lần.
“Con Hiểu nói còn nghe lời chứ thằng Luyến thì hung hăng lắm. Ai vào phòng nó là nó lao ra cắn rồi đấm đá ngay. Mà nó to như ông Tây như vậy, sức tôi làm sao chống cự nổi”, ông Nhiễm cho hay.
Để vừa có thể dọn dẹp phòng ốc cho con, vừa không sợ bị con đánh, ông Nhiễm phải đi mua thuốc ngủ, nghiền nhỏ rồi trộn vào cơm cho các con ăn. Khi thuốc ngủ đã ngấm, các con yên giấc, ông mới đi vào dọn dẹp, tắm rửa cho các con.
Để có thể dọn dẹp phòng cho các con, ông Nhiễm trộn cơm với thuốc ngủ cho các con ăn. Ảnh: Duẩn.
“Tôi cứ thu dọn chăn màn gọn vào rồi xách nước dội phòng tôi. Thằng Luyến nhiều hôm còn vệ sinh ra khắp phòng. Không dọn dẹp được, tôi mới đục một chiếc lỗ xuyên qua tường. Sau này chỉ cần dội nước là chất bẩn trôi hết ra sau vườn”, ông Nhiễm kể.
Hàng tháng nguồn sống duy nhất của gia đình ông Đoàn Quang Nhiễm là khoản trợ cấp hơn 1,6 triệu từ chính quyền địa phương. Cũng hàng tháng, ông phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để nhờ người mua thuốc cắt giảm cơn cho các con.
Những vết sẹo khủng khiếp để lại trên người ông Nhiễm sau những lần mổ sỏi thận. Ảnh: Duẩn.
“Chú nhìn thấy thằng Luyến, con Hiểu không có biểu hiện gì thế kia là tôi đều đặn cho uống thuốc cắt cơn đấy. Nếu không có thuốc, chúng nó sẽ phát rồ, phát dại lên, đi khắp làng phá phách.
Bác sĩ kê đơn thuốc, dặn dò kĩ lưỡng là ngày cho uống thuốc 2 lần nhưng tôi phải bớt đi một bữa để giảm chi phí, dành ra vài đồng mua miếng thịt, con cá cho các cháu ăn.
Các cô con gái của ông Nhiễm đều lần lượt đi lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm bố. “Các em đi lấy chồng xa, thỉnh thoảng mới về thăm, biếu bố vài đồng ăn quà, lo thuốc thang cho các em.
Chị Đoàn Thị Hiểu bình thường rất ngoan ngoãn, nghe lời nhưng khi lên cơn lại đập phá đồ đạc trong nhà. Ảnh: Duẩn.
Lần nào về, chúng nó cũng bảo tôi gửi các em vào trại rồi về ở với chúng nhưng tôi không nỡ. Vào đấy rồi, biết bao giờ tôi mới gặp lại chúng. Rồi thì không biết người ta đối xử với chúng nó như nào.
Nhắc đến người con trai út Đoàn Quang Tuyển (Sn 1980) ông Nhiễm không giấu được những giọt nước mắt. Anh Tuyển cao lớn, khỏe mạnh, trí óc hoàn toàn bình thường nhưng lại không thể tìm được vợ ở làng.
“Người trong làng, xã thấy gia đình tôi như vậy thì lo sợ tôi cũng mắc phải căn bệnh đó nên không một ai muốn kết duyên cùng tôi”, anh Tuyển tâm sự.
Vì nhà có nhiều người điên nên trong xóm không một ai dám kết duyên cùng anh Đoàn Quang Tuyển. Ảnh: Duẩn.
Thất vọng, chán trường, anh Tuyển bỏ nhà đi ra Hải Phòng làm công nhân may. Số phận dường như vẫn mỉm cười với cuộc đời của anh khi anh lên duyên với một cô gái và lập nghiệp ngay tại mảnh đất hoa phượng đỏ.
“Cô ấy cũng biết hoàn cảnh của tôi nhưng đều cảm thông, không suy nghĩ gì. Thỉnh thoảng, mỗi khi có thời gian, chúng tôi đều trở về quê để thăm bố, thăm các anh chị”, anh Tuyển xúc động kể.
Giờ đây, khi đang ở những bước cuối cùng của cuộc đời, người cha già ấy vẫn chưa lúc nào thôi đặt câu hỏi: “Khi tôi chết rồi, các con sẽ ra sao?”. Nghĩ, rồi ông lại tưởng tượng những cảnh các con ông phải đói khát. Ông bảo: “Chúng nó có điên, có dở, chúng nó vẫn là con tôi”.