Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra, dập dịch bạch hầu tại Tây Nguyên. Ảnh minh họa
Sáng 26/6, ông Hà Văn Hùng - phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết trên Tuổi trẻ, Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra, dập dịch bạch hầu tại Tây Nguyên.
Theo ông Hùng, hiện tỉnh cũng đã thành lập đoàn liên ngành, sở cũng tham mưu thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bạch hầu để kịp thời ngăn chặn dịch trên diện rộng.
Về các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, ông Hùng cho biết hiện nay là tăng cường tẩy trùng, khử độc tại các địa phương có dịch cũng như các địa bàn lân cận, các cụm dân cư có người Mông sinh sống để truy tìm nguồn lây.
Được biết, đến sáng 26/6, số ca dương tính với bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là 12 người, trong đó có 1 bé gái tử vong, số còn lại đã và đang điều trị. Có 20 người tại 3 ổ dịch nghi ngờ có khả năng nhiễm bạch hầu đang được theo dõi, điều trị cách ly tại các bệnh viện.
Sở cũng đã lấy mẫu gần 750 người tại 3 ổ dịch và đến nay số dương tính vẫn 12, âm tính 550 người và còn 182 mẫu đang chờ kết quả.
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên Lao động, hàng năm, chúng ta vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… nhưng năm nay, bệnh bạch hầu ghi nhận thêm ở một số địa phương trong đó có Đắk Nông.
"Bệnh bạch hầu quan trọng nhất là phải phát hiện sớm. Việc điều trị dự phòng cho những trường hợp tiếp xúc bằng kháng sinh cũng đã được triển khai và có kết quả tốt, chưa có loại nào kháng. Cơ bản đến nay ổ dịch đã được kiểm soát", ông Tấn cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm bổ sung, triển khai tại một số tỉnh trọng điểm trong đó có Đắk Nông. Hiện tại, Đắk Nông đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng, chống dịch cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 7 đến dưới 40 tuổi.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp Trung tâm y tế huyện tổ chức điều tra, truy vết khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc gần với những nơi đã có ca bệnh thời gian qua đồng thời yêu cầu người dân một số điều sau:
- Đưa con em đi tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII) đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.