Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:54
RSS

Bình Phước: Triệt phá 10 ổ nhóm 'tín dụng đen' cho vay với lãi suất lên đến 1.460%/năm

Thứ tư, 12/10/2022, 16:30 (GMT+7)

Công an tỉnh Bình Phước phối hợp các công an các tỉnh tổ chức triệt phá 10 nhóm "tín dụng đen", bắt giữ 25 đối tượng cho vay lãi nặng từ 365% - 1.460%/năm.

Sự kiện:
Bình Phước

Ngày 12/10, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã triệt phá thành công 10 nhóm hoạt động "tín dụng đen", bắt tạm giam và làm việc với 25 người liên quan để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Trước đó, qua nắm bắt địa bàn cùng việc tiếp nhận đơn thư cầu cứu của nhiều người dân về việc bị các nhóm "tín dụng đen" khủng bố tinh thần buộc phải trả các khoản vay với mức lãi suất "cắt cổ", Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước đã triển khai các lực lượng truy xét. Qua đó, phát hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục nhóm đang hoạt động "tín dụng đen" hoạt động liên tỉnh.

Sau quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp công an các huyện, thành phố Đồng Xoài, Chơn Thành, Đồng Phú và công an các tỉnh Thanh Hóa Đắk Nông, Lâm Đồng đồng loạt triển khai lực lượng bắt giữ 10 nhóm "tín dụng đen" với 25 nghi can. Hầu hết các nghi can trên có hộ khẩu thường trú ở Thanh Hóa và Hải Phòng.

Bình Phước: Triệt phá 10 ổ nhóm tín dụng đen cho vay với lãi suất lên đến 1.460%/năm

Một số nghi can hoạt động tín dụng đen bị mời lên làm việc - Ảnh: Công an cung cấp

Bước đầu, các đối tượng khai nhận chủ yếu cho vay bằng 2 hình thức là trả góp và cho vay tiền đứng (lấy lãi trước). Trong đó, cho vay trả góp với số tiền từ 2 triệu đến 50 triệu đồng. Số ngày trả góp trung bình khoảng từ 21 ngày đến 30 ngày. Mức lãi suất từ 365%/năm đến 1.460%/năm.

Ngoài ra, những nghi can này còn thu phí người vay tiền trái pháp luật số tiền phí thường được tính bằng một ngày góp. Đối với hình thức vay đứng, nhóm này cho vay với lãi suất khoảng 365%/năm tính lãi theo ngày và lấy 5 ngày lãi/lần, tiền phí được lấy từ 5 - 10% của số tiền cho vay. Các nhóm này đã cho 584 người vay với tổng số tiền lên đến gần 9,4 tỷ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính là hơn 3,2 tỷ đồng.

Khi cho vay, những đối tượng này thường giữ các giấy tờ của người vay như: căn cước công dân, bằng lái xe, hộ khẩu thường trú, giấy đăng ký kết hôn. Nếu người vay không có tiền trả lãi, gốc hay trả chậm thì nhóm này gọi điện hăm dọa, thường xuyên túc trực tại nhà riêng hoặc nơi làm việc của con nợ gây ồn ào; dùng vũ lực, hung khí để đòi nợ; đe dọa sẽ đánh đập nếu báo công an...

Hiện Công an tỉnh Bình Phước đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc.

Hồng Nhung
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại