Bị nhiếc móc ăn bám, vợ bỉm sữa còng lưng kiếm 50 triệu/tháng. Ảnh minh họa
Sau khi tốt nghiệp đại học gần 2 năm, Lan (sinh năm 1992, quê Bắc Ninh) kết hôn với một anh chàng kỹ sư. Khi đó, mức lương hành chính văn phòng gần 7 triệu đồng của cô cùng với thu nhập khoảng 11 triệu đồng của chồng cũng đủ để gia đình nhỏ trang trải cuộc sống.
Hàng tháng, ngoài tiền thuê nhà và ăn tiêu tính toán chi ly hết mức có thể, Lan cũng bỏ ra được một khoản tiền nho nhỏ để làm sổ tiết kiệm. Cuộc sống vợ chồng son êm đềm trôi qua, cho đến khi Lan mang thai con gái đầu lòng thì bắt đầu “nổi sóng”.
Lan ốm nghén, sức khỏe yếu và liên tục dọa xảy nên bác sĩ khuyên phải nằm ở nhà nghỉ ngơi suốt thai kỳ. Mặc dù không muốn chút nào nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc, Lan Anh vẫn đành phải nghỉ việc ở nhà. Mỗi tháng chồng cô đưa 8 triệu để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Với số tiền đó, Lan tiêu thật khéo mới đủ ăn, chứ không nói gì đến việc bỏ ra tiết kiệm.
Nhiều khi muốn mua vitamin hay sữa bầu, cô hỏi tiền chồng thì anh gắt gỏng: “Em ở nhà thôi mà tiêu tiền nhanh hết thế? Em biết là đang rất khó khăn, nên phải tiết kiệm, tiết kiệm hơn ngày xưa”. Lan lặng im, cô cảm nhận thấy những chuỗi ngày tăm tối của mình bắt đầu.
Suốt ngày nằm nhà cũng chán nản, khiến tâm trạng bực dọc, mệt mỏi. Lan nhận làm cộng tác viên cho vài shop bán hàng online, tất cả các mặt hàng từ đồ ăn sẵn đến hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh… Lan chỉ việc đăng bài lên hội nhóm và trang cá nhân của mình, khi có khách thì kết nối với chủ shop để họ ship hàng. Với mỗi đơn thành công, Lan được chiết khấu 10%. Công việc này chỉ làm “cho vui”, chứ thu nhập chẳng đáng là bao nhiêu. Tuy nhiên, Lan vẫn miệt mài làm vì cũng chẳng còn cách nào khác.
Còn 2 tháng nữa sinh, có bao nhiêu thứ cần sắm sửa nhưng chồng cô chẳng tự giác đưa tiền. Lúc đó, Lan lại “muối mặt” hỏi, tuy nhiên, đáp lại là sự vùng vằng khó chịu của chồng. Sau đó hơn 1 tuần, chồng mới đưa cô 1 triệu với lời dặn: “Mua gì đáng mua thôi, còn đâu xin mấy bà chị họ ấy, thiếu gì”.
Nghe mà chua xót, Lan cũng không ngờ chồng mình lại là con người vô tâm, tính toán đến mức đáng sợ như vậy. Bất đắc dĩ vợ mới phải ở nhà với tâm trạng mệt mỏi, chán nản khi mang bầu, anh đã không thông cảm lại còn luôn đay nghiến vợ.
Có lần cưới em họ rất thân thiết của Lan, cô muốn đi ăn cưới nhưng chẳng có chiếc váy bầu nào mới, vì toàn đồ đi xin của chị em và bạn bè. Vừa mới ngỏ lời chồng đưa đi mua chiếc váy rẻ rẻ nhưng anh liền trừng mắt lên gắt gỏng: “Bầu bí đi đâu mà váy với vóc. Đã ở nhà ăn bám còn không biết điều. Nay ngửa tay xin tiền mua cái này, mai ngửa tay xin tiền đòi mua cái kia. Cô xem tôi còn đồng nào không?”.
Ảnh minh họa
Lan cay đắng, nuốt nước mắt vào trong. Cô dặn bản thân phải thật mạnh mẽ và vui vẻ để con ra đời khỏe mạnh. Đến khi sinh con, vì ông bà ngoại rất bận nên chỉ lên chăm cô được 2 tuần. Bà nội cũng lên nhưng vì không thích ở phòng trọ chật chội, cháu lại khóc nhiều khiến bà không ngủ được, nên ở được 2 tuần bà cũng về.
Lan nghe những lời mẹ chồng nói với còn trai mà khiến cô tủi phận: “Nó ăn chơi chẳng làm gì suốt gần 10 tháng nay rồi, nên giờ phải tự lo cho con thôi. Kiêng cữ 1 tháng là được rồi. Con cứ kệ mẹ con nó, hộ được đến đâu thì hộ, còn cứ ăn ngủ cho điều độ để có sức mà đi làm nhé”.
Thế rồi, từ khi con 1 tháng tuổi, Lan đã tự phải làm mọi việc từ cơm nước, giặt giũ, đến chăm con từ lúc ăn đến lúc ngủ. Nhiều lúc mệt mỏi, kiệt sức đến phát khóc nhưng cô vẫn cố gắng nhìn nụ cười của con để bước qua.
Khi con được 3 tháng, Lan quyết định làm một việc gì đó để thoát khỏi cảnh ăn bám chồng. Sau một thời gian tính toán, tìm hiểu, Lan rủ em gái họ cũng đang thất nghiệp tự nhập đồ mẹ và bé về bán. Ban đầu hai chị em khá chật vật, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng vẫn tìm mọi cách để theo đuổi.
Và rất may mắn Lan thực sự có duyên với mặt hàng này, ban đầu từ số lượng nhỏ, dần dần doanh thu mỗi tháng của cô lên đến 200 triệu đồng, có ngày kỷ lục gần hai trăm đơn hàng. Sau khi trừ đi chi phí, mỗi chị em cô cũng thu về 40-50 triệu đồng/tháng. Vì hàng nhập về đều để ở kho, mọi việc bên ngoài đều có cô em lo, nên Lan chỉ quán xuyến việc tìm mẫu hàng, đăng bài, chốt đơn với kênh sỉ. Nhiều khi bị chồng nói: “Làm gì mà suốt ngày cắm mặt vào máy tính, điện thoại”, Lan cũng cười trừ cho qua.
Mấy tháng nay chồng Lan đưa tiền và cô vẫn cầm đều đặn. Nhưng khi thấy cô mua sắm đồ cho con toàn hàng xịn, ăn uống hàng ngày cũng rất tươm tất mà không xin thêm tiền thì anh mới thắc mắc. Lúc đó Lan mới đưa cho chồng xem mail tổng kết số tiền thu hộ của bên chuyển phát nhanh tháng trước. Chồng Lan không tin nổi vào mắt mình. Anh không nghĩ rằng, những lúc vợ cặm cụi thức đêm thức hôm là để làm ra số tiền này. Một số tiền quá lớn so với mức tưởng tượng của vợ chồng cô trước đây.
Từ hôm đó, Lan thấy chồng mình nhìn vợ với con mắt khác hẳn, không dám lên giọng coi thường và sai vặt cô như mọi khi. Đi làm về, anh chăm con hoặc nấu cơm giúp vợ, thậm chí khi vợ bực mình to tiếng, anh cũng chẳng dám “bật” lại. Lan cảm thấy cuộc sống của mình dễ thở và tươi đẹp biết bao, đúng là “phụ nữ muốn được tôn trọng và làm chủ cuộc sống của mình thì phải làm ra tiền”.