Thứ hai, 25/11/2024 | 04:13
RSS

Bị đàn ong vò vẽ tấn công, người đàn ông tử vong thương tâm

Thứ hai, 18/07/2022, 11:16 (GMT+7)

Đi lấy củi trong rừng, người đàn ông vô tình chạm vào tổ ong vò vẽ và bị chúng tấn công tử vong.

Theo báo Dân Trí, ngày 18/7, thông tin từ UBND xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho hay, nạn nhân bị ong đốt tử vong là ông T.V.T. (53 tuổi, trú tại thôn Tân Hà, xã Lâm Hợp).

Báo Vnexpress cho biết, sự việc xảy ra vào trưa ngày 17/7. Vào thời điểm trên, ông V. cùng một vài người khác ở cùng thôn vào rừng cách nhà 2km để lấy củi. Khoảng 15 phút sau, cả nhóm không thấy ông V. đâu vội chia nhau đi tìm thì phát hiện ông nằm gục giữa rừng, khắp người đang bị ong vò vẽ đốt.

Bị đàn ong vò vẽ tấn công, người đàn ông tử vong

Một tổ ong vò vẽ. Ảnh: Báo Dân Trí.

Một người dân bèn nhanh chóng dùng lửa để xua đuổi đàn ong và đưa ông V. tới Trạm Y tế xã. Tuy nhiên, do bị đốt hàng trăm mũi, thể trạng ông V. rất yếu. Sau khi chuyển lên tuyến trên, nạn nhân đã tử vong.

Được biết, ông V. là lao động tự do, con cái đi làm ăn xa, gia cảnh khó khăn, thường vào rừng kiếm củi về bán mưu sinh. Trước đó, một bệnh nhân ở Tuyên Quang cũng bị ong vò vẽ đốt khi đi hái trám vô tình chọc phải tổ ong.

Theo báo điện tử VTV News, vụ việc xảy ra vào ngày 8/7, người ong đốt là Đ.M.T (47 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang). Sau khi bị ong đốt, 5 phút sau, bệnh nhân được đưa thẳng đến Trung tâm Cấp cứu 115 - Kim Xuyên tiến hành sơ cứu sử dụng kịp thời các thuốc vận mạch, chống sốc mà trong đó chủ lực vẫn là Adrenalin. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị tiếp.

Trao đổi trên báo sức khỏe & Đời sống, GS. Bùi Công Hiển - Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, ong vò vẽ và ong đất (ong bắp cày), ong bầu chứa độc tố có thể gây chết người. Ong vò vẽ nguy hiểm ở chỗ khi đốt người, nó có thể rút nọc kim đốt ra và đốt nhiều lần nên nguy hiểm hơn loài ong mật (Apidae) rất nhiều. 

Theo GS. Bùi Công Hiển, cách để tránh bị ong tấn công, không để chúng lao vào tấn công mình là lửa và khói. Khi đi rừng hoặc làm vườn nên chuẩn bị vật liệu để sẵn sàng đối phó. Nguyên tắc thứ hai là phải che chắn những vùng nhạy cảm như vùng đầu, cổ. Tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.

Cũng theo GS Bùi Công Hiển, khi bị ong đốt nếu nhẹ có thể dùng các chất có tính chất kiềm (như vôi tôi, thuốc đánh răng...) bôi vào vết đốt để trung hòa. Nếu nặng phải đưa đến cơ sở y tế để được điều trị. Người bị ong đốt khi sơ cứu cần chú ý uống đủ nước, gọi cấp cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý không tự dùng thuốc dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược.

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại