Thứ bảy, 18/01/2025 | 22:18
RSS

Bệnh tay chân miệng gia tăng: Đà Nẵng lập khu cách ly, Cần Thơ đông nghịt bệnh nhân

Thứ hai, 15/10/2018, 19:32 (GMT+7)

Liên quan đến tình hình bệnh tay chân miệng tăng đột biến trên cả nước, thành phố Đà Nẵng mới đây đã thành lập khu cách ly, Cần Thơ đông nghịt bệnh nhân.


Bệnh viện quá tải vì tay chân miệng tăng đột biến, bệnh nhi và người nhà phải nằm "tràn" ra hành lang ở Cần Thơ (Ảnh: Kim Hà/Tiền Phong)

Liên quan đến tình hình bệnh tay chân miệng tăng đột biến trên cả nước, thành phố Đà Nẵng mới đây đã thành lập khu cách ly điều trị bệnh tay chân miệng để hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Theo VOV news, Đà Nẵng hiện đã ghi nhận 11 ổ dịch tay chân miệng nhỏ với gần 1.300 ca mắc, tăng hơn 100 ca so với cùng thời điểm này năm ngoái. Bình quân mỗi tuần thành phố ghi nhận 60-80 ca mắc tay chân miệng, trong đó khoảng 3% bệnh nặng, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, dù chưa ghi nhận chủng virut Enterovirus 71 (EV71), nhưng các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, Bệnh viện Phụ sản- Nhi... cần tiến hành các biện pháp phòng chống tay chân miệng sớm.


Bệnh Tay chân miệng hay gặp ở nhóm trẻ dưới 6 tuổi

Trong khi đó, tại Cần Thơ, số ca mắc tay chân miệng cũng tăng đáng kể. Mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận khoảng hơn 200 ca mắc bệnh này, lúc cao điểm nhất có thể lên đến 300 ca/ngày. Đa số bệnh nhi mắc bệnh nghiêm trọng thường rơi vào dưới 2 tuổi.

Trả lời Tiền Phong, bác sĩ CKII Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên của tháng 10, số bệnh nhi đã tăng đến 1.300 ca. Trong khi đó, toàn bệnh viện có 500 giường đáp ứng cho 500 bệnh nội trú, riêng khoa Nhiễm - Thần kinh chỉ có 60 giường mà số bệnh quá đông nên dẫn đến việc quá tải.

Bệnh viện đã phải điều động thêm giường của các khoa khác, rồi kê thêm ngoài hành lang, tuy nhiên vẫn có lúc mỗi giường bệnh phải chen chúc 5 bệnh nhi.

Các bác sĩ cho biết, mùa dịch năm nay, đa số ca tay chân miệng xét nghiệm mắc chủng virus EV71. Tại bệnh viện có nhiều trường hợp chuyển độ nhanh và đột ngột, có khi bỏ qua độ 2, đột ngột vô độ 3 sốc và suy hô hấp nhanh, nếu không được cấp cứu nhanh sẽ rất nguy hiểm.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca nhập viện tăng nhanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: 

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN