Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:12
RSS

Quảng Ngãi: 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi năm ngoái

Thứ sáu, 12/10/2018, 15:17 (GMT+7)

Thống kê đến ngày 9/10, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.


Tính đến 9/10, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh họa)

Sáng 12/10, Sở Y tế Quảng Ngãi đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh.

Theo Dân Việt, ông Phạm Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, đến ngày 9/10, toàn tỉnh đã phát hiện trên 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng từ tháng 8 đến nay, tổng số ca mắc bệnh đã phát hiện trên 900 trường hợp. Rất may chưa có trường hợp tử vong nào. 

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là qua kết quả xét nghiệm 25 mẫu bệnh phẩm, có đến 22/25 mẫu, chiếm tỷ lệ 56% dương tính với Enterovrus 71 (EV 71) - chủng virus có khả năng gây biến chứng nặng và tử vong.

Cũng theo Sở Y tế, bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường do nhóm gen C4 thuộc chủng EV71 đang hoạt động mạnh trở lại, nhưng trong cộng đồng lại chưa có miễn dịch và chưa có vắc xin phòng bệnh, tin tức trên báo Dân Sinh cho biết thêm.


Đại diện Sở Y tế và ngành liên quan cung cấp tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh cho các phóng viên (Ảnh: Dân Việt)

Ông Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi cho biết để tránh lây lan cho trẻ khác, bệnh viện đã tổ chức một khu cách ly tuyệt đối. 

"Tuy nhiên, số ca bệnh tay chân miệng điều trị tại bệnh viện có thời điểm lên tới 131 ca/ngày, chiếm gần 1/3 tổng số giường của toàn bệnh viện, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giường nằm cho bệnh nhân. Sắp đến bệnh viện sẽ cho mua thêm giường, bố trí chỗ nằm cho bệnh nhân ở khu vực điều trị bệnh này" - Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi thông tin.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Quảng Ngãi khuyến cáo người dân, đặc biệt là các trường học cần thực hiện tốt việc cho trẻ rửa tay thường xuyên, vệ sinh ăn uống, vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, dụng cụ học tập... hàng ngày cho trẻ. 

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe phòng chống dịch bệnh như sau:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN