Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:27
RSS

Bố bỉm sữa chỉ cách dùng phèn đen hỗ trợ đánh bay tay chân miệng trong 3 ngày

Thứ năm, 04/10/2018, 13:33 (GMT+7)

Trước diễn biến của dịch tay chân miệng, một ông bố trẻ đã bày cách tắm nước lá phèn đen tươi giúp hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng cho con.

dùng phèn đen hỗ trợ đánh bay tay chân miệng
Bố bỉm sữa chia sẻ cách dùng phèn đen hỗ trợ đánh bay tay chân miệng

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng trong cả nước tính đến ngày 1/10 là 53.500 trường hợp, trong đó đến gần 26.000 ca phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý đã có 6 trẻ mắc tay chân miệng tử vong trong năm nay.

Những con số nêu trên đã khiến tay chân miệng trở thành căn bệnh gây ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh. Ông bố trẻ Trần Trung Thành Anh (SN 1991, TP. Lào Cai) có con gái 14 tháng tuổi cũng không phải ngoại lệ. 

Thành Anh chia sẻ con gái anh mới đi học được 1 tuần thì bị viêm phổi nhập viện. Vừa xuất viện đi học lại được 2 ngày thì bé mắc tay chân miệng.  Vì có 2 bố con chăm nhau, lại sợ con mắc tay chân miệng dễ biến chứng nên anh Thành Anh liền cho bé nhập viện. 

Bố bỉm sữa chia sẻ cách chữa tay chân miệng hiệu quả bằng lá phèn đen
Con gái anh Thành Anh bị tay chân miệng, nổi nhiều mụn ở tay và chân

Vào viện khám, bác sĩ chuẩn đoán bé bị "tay chân miệng độ 1", kê thuốc tăng sức đề kháng và dặn là vệ sinh sạch sẽ, nấu nước chè rửa cho bé. Do diễn biến của bệnh, 4 ngày sau các nốt mụn của bé ngày càng nhiều, rộp to lên.

"Nhìn con ốm không chịu ăn uống chỉ khóc, có khi cả ngày cả đêm không ngủ, cứ bắt bố bế đi vòng quanh phòng bệnh viện, mình như đứt từng khúc ruột" - Thành Anh cho biết.

Tình cờ khi ở trong bệnh viện có người mách anh lấy lá phèn đen tươi về nấu nước tắm cho bé. Lúc này ông bố bỉm sữa chợt nhớ ra rằng trước đây khi mẹ của anh còn sống cũng hay dùng cây phèn đen ở bờ suối để tắm cho con cháu mỗi khi bị ngứa, dị ứng, nổi mụn nước nên anh liền làm theo.

Ông bố trẻ cho biết: "Chỉ sau 2 ngày nấu nước lá tắm, mình đã thấy bé đỡ nhiều, các nốt mụn se lại. Đến ngày 3/10, các bác sĩ đã cho cháu xuất viện. Đến hôm nay (4/10) là ngày thứ 7, bé gần như khỏi hẳn. Trên da chỉ còn những chấm đen li ti của các nốt mụn sau khi đã se lại".

Bố bỉm sữa chia sẻ cách chữa tay chân miệng hiệu quả bằng lá phèn đen
Sau 7 ngày bị tay chân miệng, con gái anh Thành Anh đã gần như khỏi hẳn, trên da chỉ còn những chấm đen.

Sau khi chia sẻ bài thuốc này với bạn bè, nhiều người bạn của anh Thành Anh cũng cho biết đã dùng lá phèn đen cho bé tắm và thấy có tác dụng hỗ trợ đối bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, anh Thành Anh cũng cho biết, cha mẹ khi thấy con bị tay chân miệng tốt nhất đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, việc tắm lá cho con chỉ là phương pháp hỗ trợ. 

Cách dùng lá phèn đen tắm cho bé (có thể tắm 1-2 lần/ngày):

Chuẩn bị: 300g lá phèn đen tươi; nồi đun nước.

Thực hiện: Rửa sạch và vò nát lá phèn đen, cho lá phèn đen đã vò nát vào nước đun sôi.

Sau khi nước sôi bắc nồi ra, đợi nước ấm khoảng từ 30 - 38 độ C là có thể tắm cho trẻ.

Trước câu hỏi phèn đen có hỗ trợ chữa tay chân miệng cho trẻ hay không, bác sĩ đông y Hoàng Trọng Đại đã có những chia sẻ cụ thể với PV và cho biết phèn đen có thể góp phần chữa tay chân miệng cho trẻ. Cây phèn đen là một cây thuốc nam có chứa số loại thuốc kháng sinh có tác dụng đẩy các loại độc tố ra khỏi cơ thể. 

Do vậy việc sử dụng cây phèn đen nấu lấy nước tắm cho trẻ mặc bệnh tay chân miệng là hoàn toàn hữu ích trong việc hỗ trợ giúp con sớm khỏi bệnh.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, dịch bệnh tay chân miệng hiện đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành nên cha mẹ cần đặc biệt chăm sóc và quan tâm đến sức khỏe cho con. Khi thấy con có dấu hiệu mắc bệnh cần sớm đưa con đến các cơ sở y tế để xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho con. Tuyệt đối không tự ý chữa bệnh cho con khi chưa có tư vấn, thăm khám của bác sĩ.

 

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca nhập viện tăng nhanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: 

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.



Xem thêm lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

 

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN