Bệnh tay chân miệng do chúng virus EV71 có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ (Ảnh minh họa)
Trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tăng đột biến, gấp 5 lần so với trước đây.
Cao điểm có ngày 24/9, bệnh viện điều trị cho 222 em, đến ngày 26/9, tại Khoa còn 179 em. Trong đó, số ca bệnh nặng phải theo dõi sát sao từ 25-30 em.
Theo các BV Nhi đồng 1, số ca nhập viện vì tay chân miệng hơn 50% do nhiễm chủng virus EV71 nguy hiểm từng là nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ trong vụ dịch tay chân miệng tại TP.HCM năm 2011-2012.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng. Mới đây nhất, ngày 27/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre cho biết trên địa bàn vừa xảy ra trường hợp tử vong do bệnh TCM. Bệnh nhân là một bé gái hai tuổi, ở xã Bình Phú, TP Bến Tre.
Trả lời PV Đời sống Plus, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ: Chủng virus EV71 tuy rằng không phải là một chủng virus mới nhưng lại được ghi nhận là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất gây tay chân miệng.
Loại virus này có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây ra những biến chứng nặng nguy hiểm tính mạng. Các biến chứng nặng hay gặp đó là phù phổi cấp, viêm cơ tim, sốc tiêm, viêm não, viêm màng não…
Trước đây, chủng virus này gây bệnh ở nhiều quốc gia, trong các đợt dịch ở Đài Loan năm 1998 và dịch tay chân miệng tại TP.HCM năm 2011-2012.
"Tuy nhiên, gần đây tôi đã gặp 1 số trường hợp bệnh nhi tay chân miệng, xét nghiệm thấy EV71 nhưng không hề có biến chứng nặng.
Theo kinh nghiệm cá nhân, điều này có thể giải thích rằng chủng virus này đã có những sự thay đổi. Bên cạnh đó bệnh nặng hay nhẹ cũng tùy thuộc vào từng cơ thể bệnh nhi. Có thể bệnh nhi nhiễm EV71 nhưng có thêm các yếu tố khác gây nguy hiểm" - bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Hiện tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc đặc hiệu. Cha mẹ cầnchú ý theo dõi, phát hiện các dấu hiệu bệnh của trẻ (Ảnh minh họa)
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh cho rằng bệnh tay chân miệng hiện có nhiều dấu hiệu mà nếu không được chú ý sẽ dễ chẩn đoán nhầm. Cụ thể như chỉ sốt, ho vài tiếng, tiêu chảy vài lần, không thấy tổn thương ở miệng hay xuất hiện các nốt hồng ban rất mờ nhạt, một bác sỹ nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho rằng triệu chứng phụ huynh cần chú ý sốt rất cao không hạ, ăn uống kém, quấy khóc...
Đặc biệt, giật mình ở trẻ tay chân miệng có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Vì vậy cha mẹ cần chú ý phát hiện triệu chứng này, khi phát hiện trẻ tay chân miệng giật mình thì ngay cả khi đang chơi, sức khỏe ổn định cũng cần đưa trẻ đến viện khám ngay.
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cũng đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ, khi đưa con đi khám nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, đừng vì quá lo lắng về bệnh mà yêu cầu nhập viện.
"Những trường hợp tay chân miệng nhẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Nếu ai cũng đòi nhập viện thì sẽ có nguy cơ quá tải cho bệnh viện. Chưa nói đến việc chính bệnh nhi cũng có nguy cơ lây nhiễm chéo và tốn kém, vất vả cho gia đình" - bác sĩ Dũng lưu ý.
Xem thêm bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân