Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:09
RSS

Bệnh tay chân miệng vào mùa: Cách nhận biết, điều trị, phòng bệnh

Thứ tư, 19/09/2018, 07:10 (GMT+7)

Trong thời điểm giao mùa hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có nguy cơ gia tăng, phụ huynh cần nắm vững các thông tin về bệnh để chăm sóc trẻ đúng cách.

Bệnh tay chân miệng vào mùa: Cách nhận biết, điều trị, phòng bệnh
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ người sang người, dễ gây thành dịch (Ảnh minh họa: internet)

Nguy cơ bệnh tay chân miệng bùng phát

Ngày 18/9, Khoa Nhi - Nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho biết đang điều trị 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng, trong đó 50% bệnh nặng từ độ 2B trở lên. 

Trả lời VnExpress bác sĩ Phạm Thành Quát, nhiều bệnh nhi không có biểu hiện rõ ràng nhưng lại bệnh ở cấp độ nặng. Lý do là phụ huynh chủ quan cho con điều trị tại nhà mà không đưa đi khám và điều trị.

Cùng thời điểm, ghi nhận của báo Gia đình Việt Nam tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho thấy, số trẻ mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng lên. Có một số ca nặng, 1 trường hợp phải lọc máu. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy chủng gây bệnh đa phần là EV 71 (loại vi rút có độc lực mạnh, dễ gây biến chứng cho trẻ mắc bệnh).

Thống kê cho thấy bệnh tay chân miệng có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-10. Trong thời điểm giao mùa hiện nay, khi bệnh đang có nguy cơ gia tăng, phụ huynh cần nắm các thông tin về bệnh để chăm sóc trẻ đúng cách.

Biểu hiện của chân tay miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể lây thành dịch lớn do dễ lây lan. 

Đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang virus nhưng không biểu hiện bệnh), rất dễ lây cho người khác nếu việc vệ sinh không đảm bảo.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng vào mùa: Cách nhận biết, điều trị, phòng bệnh
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi (Ảnh: VnExpress)

Chăm sóc và điều trị bệnh

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa Trưởng khoa Nội tổng quát 1, BV Nhi đồng 1, trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường khỏi trong vòng một tuần lễ nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Những bóng nước mới đầu có dịch trong (lúc bội nhiễm sẽ gây đục), sau đó sẽ lành không để lại sẹo. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn tiến nặng sẽ gây những biến chứng rất nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim. Biến chứng não rất dễ dẫn đến tử vong.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị tay chân miệng vì vậy để giảm nguy cơ nhiễm trùng da niêm cần phải vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy sướt da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo.

Lưu ý trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.

Theo dõi diễn biến các tổn thương da niêm và tình trạng chung của trẻ. Khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao, nhức đầu, nôn ói nhiều, lơ mơ, giật mình chới với, co giật, mệt nhiều cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị biến chứng nặng của bệnh.

Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Mặc dù xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa tay chân miệng nên vấn đề chủ yếu là làm tốt công tác phòng bệnh giúp ngăn ngừa lây lan. 

Cụ thể là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc như tay nắm cửa, cầu thang, sàn nhà...

Phụ huynh cũng cần lưu ý cách ly với người mắc bệnh, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.


Xem thêm vì sao Mai Phương không dám công khai đang mắc bệnh ung thư?​

Mai Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN