Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:28
RSS

Sốt xuất huyết chưa qua, tay chân miệng đã tới, 1 tuần 170 ca mắc bệnh

Thứ hai, 14/08/2017, 11:40 (GMT+7)

Dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó, bệnh tay chân miệng đã “vào mùa”.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM, trong tuần qua, số trường hợp mắc tay chân miệng đã bắt đầu tăng lên tới gần 170 ca/tuần (tăng khoảng 20 ca so với trung bình 4 tuần trước).

Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho thấy, hiện mỗi ngày khoa Nhiễm - thần kinh có 50-60 trẻ điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với các tuần trước.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thời điểm này số ca tay chân miệng chưa tăng so với cùng kỳ năm 2016 nhưng có nhiều ca nặng, phải thở máy.

Tay chân miệng

Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch mùa mưa lũ và sốt xuất huyết cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tỏ ra lo ngại về việc chuẩn bị đến mùa tay chân miệng. Ngoài việc yêu cầu tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, Bộ trưởng Tiến cũng đề nghị các đơn vị liên quan chú ý đến bệnh tay chân miệng, nhắc lại vấn đề rửa tay, sổ giun, sổ lãi, uống vitamin A, tiêm phòng... để phòng các bệnh mùa mưa lũ.

Bệnh tay chân miệng sẽ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Tay chân miệng là bệnh có thể gây thành dịch lớn, nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là bệnh có thể diễn biến nhanh trong vòng vài giờ. Do vậy nhận biết bệnh sớm và chăm sóc trẻ có thể giảm biến chứng và giảm nguy cơ tử vong.

Tay chan mieng

Trẻ đang điều trị tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Vnexpress

Để tránh nguy hiểm (nguy hiểm nhất là biến chứng thần kinh), theo BS Trương Hữu Khanh, trẻ sốt cao trên 2 ngày, giật mình, nôn ói, yếu tay chân, thở khó thì phải được đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Trẻ mắc tay chân miệng cần ăn lỏng, tránh ăn nóng, cay. Khi uống sữa, phải làm mát sữa rồi mới cho trẻ uống.

Hiện chưa có vắc xin phòng tay chân miệng. Cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả là vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, chú ý rửa tay bằng xà phòng và rửa tay trước khi ăn, trước khi chăm sóc trẻ, cách ly trẻ với các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm tay chân miệng. Trong gia đình, các đồ chơi, các bề mặt trẻ hay vịn, cầm, nắm... cần được vệ sinh sạch sẽ; tránh để trẻ cầm đồ chơi cho vào miệng gặm, cắn.

5 món cháo dinh dưỡng cho bé "còi".

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN