Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:00
RSS

Bác sĩ Nhi chỉ rõ sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ tay chân miệng

Thứ bảy, 29/09/2018, 06:45 (GMT+7)

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, sai lầm nghiêm trọng của cha mẹ khi chăm sóc trẻ tay chân miệng đó là không cách ly trẻ.


Sai lầm nghiêm trọng của cha mẹ khi chăm sóc trẻ tay chân miệng đó là không cách ly trẻ

Những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng đột biến. Thống kê của trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho hay, số trẻ mắc tay chân miệng tuần vừa qua tăng 45% so với trung bình các tuần trước đó. Đây cũng là thời điểm dễ bùng phát bệnh này. 

Tay chân miệng có thể lây qua trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, trong thời gian đầu, trẻ vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang người khác.

Những yếu tố lây truyền phức tạp như trên mà tay chân miệng được coi là bệnh nguy hiểm. Chỉ cần một trẻ bị bệnh là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. 

Trả lời PV Đời sống Plus, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai đã chỉ ra sai lầm nghiêm trọng của cha mẹ khi chăm sóc trẻ tay chân miệng đó là không cách ly trẻ.

Khi trẻ có những dấu hiệu của tay chân miệng như có vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước... nhiều phụ huynh không tiến hành cách ly, vẫn cho trẻ đến lớp hay cho trẻ chơi với trẻ khác, dẫn tới dịch lây lan rộng hơn.

Theo bác sĩ Dũng: "Nếu trẻ ốm, không đến mức nhập viện thì phụ huynh phải để trẻ ở nhà chăm sóc. Không được đưa trẻ đến lớp, đến nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Tuy nhiên, tôi đã gặp nhiều phụ huynh con sốt, ốm chỉ cho con uống thuốc hạ sốt và vẫn cứ đưa đi học như bình thường. Nếu trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, đây thực sự là nguy cơ lớn với các trẻ khác".

Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết để phòng tránh dịch tay chân miệng lan rộng, trẻ cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh. 

Bên cạnh đó, TS.BS Dũng cũng lưu ý các bậc phụ huynh nếu thấy con có các triệu chứng như sốt rất cao không hạ, ăn uống kém, quấy khóc...  thì phải đưa con đến các cơ sở y tế thăm khám chứ tuyệt đối không tự mua thuốc về cho con uống.

Hiện nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hay thuốc đặc trị nên điều cần làm nhất là thực hiện tốt công tác phòng bệnh giúp ngăn ngừa lây lan. 

Cụ thể là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đôi bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…

Gia đình cũng cần vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc như tay nắm cửa, cầu thang, sàn nhà...


Xem thêm chữa viêm họng, ho có đờm bằng quả sung và củ gừng cực hiệu quả

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN