Tay chân miệng ở trẻ em có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm (ảnh minh họa)
Trong giai đoạn thời tiết giao mùa, trẻ em có thể dễ mắc nhiều bệnh. Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virus đường ruột gây ra, hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Giống virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến nhất là Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV-71).
Cho đến nay, thế giới chưa có vắc xin để phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng của người đã mắc bệnh. Có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não dễ dẫn đến tử vong.
Theo BS Đông y Hoàng Xuân Đại, trong đông y truyền thống không đề cập đến căn bệnh có tên tay - chân - miệng. Tuy nhiên, căn cứ vào những triệu chứng biểu hiện có thể sử dụng một số bài thuốc đơn giản hỗ trợ điều trị tay chân miệng như:
Bài 1: Dùng 100 - 200g rau dấp cá (hoặc các cây lá tươi nêu trên) giã nát, chế nước sôi vào để ấm tắm cho bệnh nhân (không tắm lại bằng nước lã), xong dùng củ nghệ giã nát lấy nước cốt thoa lên các vết lở loét. Cũng có thể dùng lá nha đam gọt lấy gel thoa miệng và tay chân bé. Dùng rau dấp cá hoặc gel nha đam xay sinh tố cho bệnh nhân uống. Dùng liên tục 5 - 7 ngày.
Bài 2: Cỏ chân vịt 50g rửa sạch, đun sôi, đợi nước ấm rồi tắm. Sau đó lấy một ít đem phơi khô, đốt thành than, tán nhỏ, rồi xoa đều bôi vào vết thương mỗi ngày 1 lần, nếu mụn nước bị vỡ thì dùng nước cốt nghệ bôi lên để tránh làm mủ.
Lưu ý, không dùng lá sầu đâu (sầu đông) lá 2 lần kép vì có độc nguy hiểm. Có thể tăng sức đề kháng cho trẻ bệnh hoặc chưa mắc bệnh bằng cách cho trẻ uống kẽm và vitamin C.
Việc sử dụng Đông dược để phòng trị hoặc hỗ trợ trị liệu tại nhà cần có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của thầy thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền có uy tín. Nếu trẻ có những biểu hiện lạ, cần đưa ngay đến bệnh viện, để xử lý một cách kịp thời.
Rau dấp cá có thể hỗ trợ điều trị tay chân miệng hiệu quả
Cách phòng ngừa tay chân miệng
Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa tay chân miệng:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Tránh tiếp xúc (hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén) với người bệnh bị tay chân miệng.Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch