Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:52
RSS

Nỗi ám ảnh của bà mẹ 10 ngày cùng con 2 tuổi chiến đấu với virus tay chân miệng EV71

Chủ nhật, 14/10/2018, 12:00 (GMT+7)

'Với tôi, chiến đấu với virus tay chân miệng EV71 rất kinh hoàng. Tôi đã thấy tận mắt cơ thể con bị bào mòn, uy hiếp từng nhịp thở của con trai, và kiến con đau đớn...', chị Phạm Hồng (32 tuổi, Hà Nội) nhớ lại.

Virus tay chân miệng đặc biệt chủng EV71 -  Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn.

Đời sống Plus xin dẫn câu chuyện của một người mẹ là Phạm Hồng (32 tuổi, Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về 10 ngày cùng con trai Đức Trí chiến đấu với bệnh tay chân miệng cách đây 2 năm về trước. Khi đó, bé mới hơn 2 tuổi. 


Chị Hồng và con trai trong một chuyến du lịch

Những ngày tháng mơ hồ về virus tay chân miệng 

Mỗi dịp chuyển mùa, thời tiết thuộc dạng ẩm ương, bệnh dịch cũng bùng phát. Năm ấy 2016, Ban giám hiệu nhà trường nơi con trai đang theo học, gửi thông báo về phòng chống bệnh dịch trong đó cũng có sởi, thủy đậu và tay chân miệng. Nhưng tôi chẳng mấy chút lo lắng, sợ hãi.

Tâm trí tôi khi ấy chỉ sợ sởi thì sởi con mắc rồi cũng đã miễn dịch luôn khỏi lo, thủy đậu thì tiêm phòng rồi cũng bình thản. Tuy nhiên cũng khá cẩn thận, tôi vệ sinh sạch sẽ cho con, tăng cường sức đề kháng bằng các thực phẩm chức năng.

Với nhiều người, tên bệnh tay chân miệng có vẻ thật bình thường như chính cái tên của nó “tay chân miệng” và tôi cũng thế, đơn thuần nghĩ chỉ là vài cái nốt mọc ở tay chân hay trên miệng chắc cũng chẳng vấn đề gì. 

Và Virus tay chân miệng cấp độ 1 đã tìm đến con trai tôi

Vào một ngày cuối tháng 3/2016 khi ấy con trai mới được hơn 2 tuổi, đón con ở trường về nhà, tôi cơm nước rồi cho con tắm thì phát hiện có những nốt nhỏ li ti màu hồng đỏ trong lòng bàn tay, vì đang mùa dịch tôi nghĩ ngay đến tay chân miệng. 

Cho con vào lau người và kiểm tra khắp cơ thể con xem có những chỗ nào nữa, thì ở chân cũng xuất hiện những nốt chấm đỏ như ở tay, rồi kiểm tra miệng cũng có một vài nốt rồi. Thật nhanh, một ngày ở trường về con đã xuất hiện những nốt như thế.

Tôi rất bình tĩnh vì cứ hiểu rằng mấy cái nốt này kiểu dạng phát ban vài hôm rồi bay mất. Gửi thông báo cho cô giáo lớp con và Ban giám hiệu trường để có phương án cách ly, xử lý bệnh dịch với toàn trường.

Sáng hôm sau tôi cho con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và kết quả là “tay chân miệng cấp độ 1” với 1 tuýp thuốc bôi, 1 lọ tăng sức đề kháng và vỉ kháng viêm, methylen cùng lời dặn của bác sĩ: “vệ sinh sạch, ăn lỏng mát”. Lúc này, tôi vẫn mang tâm trạng lạc quan xin nghỉ ở nhà chăm con.

Đến ngày thứ 3 con nổi nhiều nốt ở tay, chân, miệng hơn và bắt đầu bỏ ăn, sốt  38.3 độ, đặc biệt khu lưỡi đã loét diện rộng khiến con đau rát quấy khóc. Nhìn con lúc này tôi bắt đầu thấy bất thường bởi người lớn khi nhiệt miệng cũng ăn không nổi nói gì đến trẻ nhỏ. Lúc này tôi lo lắng và rất xót con.

Ngày thứ 4, thứ 5 con không có chút biểu hiện thuyên giảm mà diễn biến xấu hơn khi con không ăn được gì, quấy khóc, tay chân, mồm miệng xanh nét bởi màu xanh của methylen. Con bắt đầu ho nhẹ. Linh cảm của người mẹ khiến tôi bất an nên quyết định mang con đến viện gặp bác sĩ.

Virus EV71 chính thức xâm nhập cơ thể con 

Một mình bế con đến viện cầu cứu bác sĩ, nhưng khi lấy số, xếp hàng, chờ đến lượt, con đau và khóc. Cuối cùng bác sĩ cũng gọi tên con trai, tôi hồi hộp bước vào. Bác sĩ nhìn bệnh án cũ và kiểm tra qua rồi nói bệnh đã “vào đến họng rồi”. Bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm ngay. Bế con làm xét nghiệm mà lòng dạ ngổn ngang. 


Bé Đức Trí rất thích màu sắc, vẽ tranh

Đợi kết quả sau hơn 1 giờ đồng hồ cũng có kết quả con “dương tính EV71”, không cần biết là chủng gì, nguy hiểm ra sao chỉ cần nhìn thấy 2 chữ “dương tính” cũng là điều khiến tim tôi đổi nhịp.

Năm ngày đã qua với cấp độ 1 cũng làm tôi đủ trải nghiệm sự nguy hiểm của tay chân miệng ăn mòn cơ thể con trai tôi ra sao. Giờ thêm chủng EV71, là một chủng của tay chân miệng rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn...

Tôi bắt đầu hỏi dồn dập bác sĩ, “làm sao để chặn nó lại, làm sao con không bị biến chứng hơn nữa, làm sao đẩy được EV71 này ra khỏi người con?...". Bác sĩ nhìn tôi “hiện tại chưa có thuốc đặc trị cho tay chân miệng, chỉ chờ cho bệnh tự khỏi thôi”. 


Cậu bé hoạt bát, tươi cười khi mẹ chụp ảnh

Sau đó bác sĩ đã kê kháng sinh để xử lý phần họng, tránh biến chứng sâu hơn, bệnh dịch rất nhiều nên con cũng không thể ở lại viện được, tránh lây truyền chéo. Bác sĩ cũng yêu cầu tôi đưa con về nhà, nhưng đặc biệt chú ý từng biểu hiện của con, chỉ cần sốt, ngay lập tức nhập viện.

Những ngày đêm không ngủ 

Từ một tâm lý bình tĩnh nhất từng có, coi thường nó, cho đến bác sĩ nói không có thuốc chữa trong khi con đã bắt đầu có dấu hiệu của biến chứng, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái hoảng loạn, không thể làm gì hơn, ngoài canh chừng con, không rời nửa bước, chốc chốc lại sờ đầu, sờ trán con và mong con giảm sốt.

Cả đêm tôi không dám ngủ, lúc con ngủ tôi bắt đầu lên mạng đi tìm hiểu thêm những kiến thức về chủng virus EV71 và mới thấy mình thật chủ quan với bệnh tay chân miệng của con.


Đức Trí khi còn học lớp mầm non.

Những ngày tiếp theo tôi cố gắng vệ sinh cho con thật tốt, dù biết con rất đau, nhưng tôi lấy hết sự dũng cảm để mà lau bôi thuốc bên trong khoang miệng, bề mặt đều vỡ và loét, tôi chạm tay bôi thuốc cũng rất run, con đau mà gào thét, cắn tay tôi đến chảy máu. Thậm chí con đau đến mức trách móc: 'Mẹ không thương con à ?'.

Tôi cố dỗ dành con từng chút, dịu dàng giải thích con nghe. Nước mắt lăn dài, tôi ôm con vào lòng vỗ về.

Có câu “cơm chan nước mắt” thật chẳng sai trong hoàn cảnh này, mỗi lần ăn đối với con là cực hình, dù tôi đã cố gắng nấu nhừ loãng nhất nhưng mỗi bữa ăn là mỗi lần con khóc, xin không phải ăn vì đau đớn.

Cả ngày hai mẹ con chỉ có nhiệm vụ cho nhau ăn và vệ sinh răng miệng, bởi nếu không vệ sinh thức ăn còn sẽ làm các vết thương càng loét và viêm lên.

Uống kháng sinh, cơ thể con phản ứng phụ lại đi ngoài, nguy cơ nhiễm khuẩn tiếp càng cao. Tôi thực sự mệt mỏi, ngày đêm không ngủ cơ thể dã dời. Nhưng rồi nghĩ đến biến chứng nguy hiểm của EV71 mà tôi bắt mình không được mệt nữa.


Hai mẹ con thường có những bức ảnh tình cảm bên nhau. 

Đã 8 ngày trôi qua, có vẻ như EV71 đã rời khỏi cơ thể con, các vết thương đang dần khô lại, con không sốt, tôi bắt đầu thấy yên tâm phần vào và có thể giao lại cho chồng chăm con.

Sau đúng 10 ngày con đã có thể ở trạng thái bình thường, ăn ngon, các vết thương cũng dần biến mất. Tôi hiểu rằng, con đã qua được những ngày gian nan và cuối cùng cơ thể con đã tự kháng được virus EV71.



Chồng chị Hồng là người hỗ trợ, giúp đỡ vợ khi con mắc tay chân miệng

Với tôi, cuộc chiến tay chân miệng và chiến đấu với virus EV71 rất kinh hoàng. Tôi đã thấy tận mắt cơ thể con bị bào mòn, uy hiếp từng nhịp thở của con trai, và kiến con đau đớn từng ngày. 

Những ngày này, ti vi thường nhắc về nó, làm tôi không khỏi căng thẳng. Bởi vẫn chưa có vacxin chế ngự nó. Tôi nhận ra một bài học rằng bất cứ bệnh gì cũng đừng nên xem thường và chủ quan.


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN