Liên quan đến việc bé trai 7 tháng tuổi bị bỏ rơi trong một nhà nghỉ ở Mỹ Đình theo thông tin từ phía Thiếu tá Đinh Văn Thanh - Trưởng Công an phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vào chiều ngày 6/10, công an phường đã giao cháu bé cho trung tâm bảo trợ xã hội.
Quyết định trên được đưa sau hơn 1 ngày cố gắng liên lạc nhưng không thấy nhân thân cháu bé tới nhận. Thông tin về vụ việc trên, Thiếu tá Đinh Văn Thanh cho biết, cháu bé được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội sẽ được chăm sóc tốt hơn.
Từ ngày hôm qua, đã có rất nhiều người gọi điện tới cũng như tới trực tiếp trụ sở để nhận nuôi cháu bé. Tuy nhiên, đơn vị đều từ chối vì không thuộc thẩm quyền của đơn vị.
Một số vấn đề liên quan đến câu chuyện này là việc người mẹ bỏ rơi con như vậy có vi phạm luật hay không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hành vi bỏ rơi con để bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đứa trẻ sinh chưa được 7 ngày. Trong vụ việc trên, cháu bé đã được 7 tháng tuổi nên người mẹ đã vi phạm Điều 4, 6 và 7 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như Luật Hôn nhân và Gia đình.
Theo đó, luật Hôn nhân và Gia đình quy đình: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.
Bố mẹ có nghĩa vụ thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...” và không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”.
Theo đó, người mẹ bỏ rơi con trong vụ việc trên có thể bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng và có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Điều 22, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;
b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;
c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này”.