Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:27
RSS

Bé trai 6 tuổi bị mắc kẹt pin cúc ao trong mũi, suýt gây hoại tử

Thứ tư, 24/06/2020, 16:43 (GMT+7)

Khi nhập viện, lỗ mũi của bệnh nhi sưng đỏ, phù nề, lẫn dịch bẩn đen và có dấu hiệu hoại tử. Các bác sĩ đã dùng dụng cụ chuyên dụng lấy viên pin ra, vệ sinh mũi cho bé nhiều lần để rửa hết hóa chất ăn mòn từ viên pin.

Thời gian gần đây, TTYT huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị mắc dị vật trong mũi. Mới đây nhất, ngày 22/06/2020, TT tiếp nhận trường hợp bé trai 6 tuổi, trú tại TT Thanh Sơn- huyện Thanh Sơn vào viện trong tình trạng mũi trái đau nhức, ngạt mũi, kèm theo chảy dịch và máu, hơi thở có mùi. Qua nội soi các bác sĩ đã phát hiện dị vật là một viên pin cúc áo đã cài dính chắc bên trong lỗ mũi của bệnh nhi. 

Bác sĩ Trần Thanh Toàn, TTYT huyện Thanh Sơn cho biết: “Viên pin bám chắc, ăn mòn sâu bên trong mũi và che một phần lớn khoang mũi. Lỗ mũi của bệnh nhi sưng đỏ, phù nề, lẫn dịch bẩn đen và có dấu hiệu hoại tử”, bác sĩ Toàn cho biết. Các bác sĩ đã dùng dụng cụ chuyên dụng lấy viên pin ra, vệ sinh mũi cho bé nhiều lần để rửa hết hóa chất ăn mòn từ viên pin, loại bỏ dịch viêm.

Bé 6 tuổi suýt bị hoại tử mũi vì viên pin nhỏ bé
Viên pin cúc áo được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi

Theo chuyên gia, pin cúc áo là pin lithium. Loại pin này rất nguy hiểm với trẻ em vì kích thước nhỏ và trẻ thường lầm tưởng là kẹo hoặc đồ chơi. Viên pin khi bị mắc kẹt thì sẽ phóng thích ra dòng điện (dù đã hết pin), tiếp xúc với niêm mạc, gây tích tụ chất bazơ, ăn mòn các mô. Thông thường, chỉ cần mắc kẹt khoảng 24 giờ là viên pin đã có thể gây hoại tử vùng niêm mạc, mô xung quanh.

“Pin có tính kiềm nên gây bỏng lạnh. Bỏng lạnh rất kinh khủng, còn nguy hiểm hơn bỏng nóng vì ăn mòn sâu, kéo dài, ngay cả sau khi viên pin đã được lấy ra thì vẫn còn có thể tiếp tục gây bỏng vì hóa chất còn thấm trong mô, khó rửa sạch. Nhiều trường hợp các bác sĩ đã phải lọc rửa đến hơn 10 lần để làm sạch hết chất ăn mòn của pin”, bác sĩ Toàn cho biết thêm.

Qua trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ Toàn khuyến cáo các phụ huynh cần chú ý trong việc lựa chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ ở từng độ tuổi, tránh đồ chơi có các chi tiết nhỏ mà trẻ có thể nuốt, nhét vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể. Đặc biệt, quản lý pin chặt chẽ, tránh xa tầm tay của trẻ. Các đồ dùng có sử dụng pin trong gia đình nên dán chặt các nắp đậy pin lại.

Đặc biệt người lớn khi thấy triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc dị vật trong tai mũi họng như trẻ kêu đau, thường sau 24 giờ đối với mắc dị vật pin vì gây hoại tử; không nghe được (dị vật ở tai); chảy nước mũi hôi, nghẹt mũi (dị vật ở mũi); sốt cao; có dấu hiệu nhiễm trùng…cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế uy tín với đầy đủ trang thiết bị để được xử trí kịp thời.

Minh Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN