Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:42
RSS

Ban hành Quy định vợ chồng vô sinh có quyền nhờ người mang thai hộ

Thứ ba, 12/02/2019, 16:40 (GMT+7)

Trong văn bản được Bộ Y tế ban hành áp dụng từ 15/3 có nội dung cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Quy định về vợ chồng vô sinh có quyền nhờ người mang thai hộ
Bé Đ.Q.A (Ninh Bình) là em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 22/1/2016. Ảnh: H.Hải.

Trong văn bản hợp nhất nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ 15/3/2019, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Cũng theo quy định này, vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

Người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng, tức là chị - em cùng cha mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ, chị em con chú bác, con cô cậu.

Quy định này cũng nêu rõ người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai.

Người nhận noãn phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam và là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

Người nhận phôi phải thuộc một trong các trường hợp sau đây: người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng; người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ; phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

Quy định về vợ chồng vô sinh có quyền nhờ người mang thai hộ 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến là người  thực hiện ca mổ lấy con cho sản phụ đầu tiên mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Quy định này cũng yêu cầu trước khi cho tặng tinh trùng, trứng, người cho được xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không nhiễm HIV, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Theo quy định, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (như thụ tinh nhân tạo…).

Trước đó vào ngày 22/1/2016, em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bằng kỹ thuật mổ sinh.

Bé là con của một cặp vợ chồng vô sinh 18 năm ở Ninh Bình.  Mang thai hộ cho cặp vợ chồng này là một người cô họ 46 tuổi. Cháu bé ra đời nặng 3,6kg, hoàn toàn khỏe mạnh được đặt tên là Đ.Q.A.

Đây là niềm vui lớn và minh chứng rằng, Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực từ 1/1/2015 cho phép mang thai hộ là một chính sách nhân văn, mang lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng tưởng chừng không thể có con.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN