Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:35
RSS

Hành trình tìm con trong nước mắt: Lối thoát nào cho người vô sinh, hiếm muộn?

Chủ nhật, 19/08/2018, 07:03 (GMT+7)

Chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn cao, trong khi bảo hiểm chưa hỗ trợ thanh toán cho nhóm bệnh nhân này là rào cản khiến không ít gia đình phải ngậm ngùi chấp nhận cảnh không con vì không có tiền chạy chữa.

LTS: IUI, IVF 7-8 lần, thậm chí là 10 lần không được, phải dùng đến những cách mà không thể hé răng nói nửa lời với người đời là mua trứng, mua tinh trùng ngoài "chợ đen" như một biện pháp cứu cánh cuối cùng, nhưng khi đã có được "con vàng, con bạc" đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không ít gia đình vướng vào món nợ khổng lồ, không đủ khả năng chi trả. Hao hết sức khỏe tinh thần lẫn của cải để sinh con ra, nhưng lại không đủ điều kiện để cho con lớn lên trong một môi trường tốt nhất. Một phần nguyên nhân là vì gánh nặng do chưa được Hảo hiểm Y tế hỗ trợ như một căn bệnh đúng nghĩa.

Hành trình tìm con trong nước mắt: Lối thoát nào cho người vô sinh, hiếm muộn?
Phải mất 5 năm trời, cùng chi phí chữa trị lên tới gần 350 triệu, căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Đăng Hưng mới có tiếng cười con trẻ.

Kiệt quệ vì chữa vô sinh, hiếm muộn

Vợ chồng anh Nguyễn Đăng Hưng (xóm Bến, Đắc Sơn, Phổ Yên, Thái Nguyên) nên duyên từ 2013 nhưng phải đến đầu 2018 mới được “lên chức” cha mẹ. Nguyên nhân là vợ anh Hưng bị dính buồng trứng.

Chạy vạy thuốc thang điều trị thành công, vợ anh Hưng lại bị bị u nang buồng trứng. Hành trình tìm con yêu đành tạm gác để đợi sức khỏe chị dần ổn định. Thế nhưng đến khi sức khỏe bình thường thì kinh tế gia đình lại cạn kiệt. Thu nhập chủ yếu từ làm nông nghiệp của anh cùng đồng lương công nhân ba cọc ba đồng của vợ trong khi hoàn cảnh bên nội bên ngoại lại không mấy khá giả khiến anh chị không dám xuống Hà Nội chữa bệnh. Nghe người này mách mẹo, người kia rỉ tai, truyền miệng, anh chị cũng lặn lội khắp các tỉnh tìm gặp những ông lang, bà mế với tinh thần “còn nước còn tát”.

Sau khoảng 1 năm “chữa mẹo” không thành, khi đã dành dụm được ít tiền, 2 vợ chồng mới khăn gói quả mướp xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra lại. Nhưng kết quả nhận về không mấy khả quan. Chị Lan Anh bị tắc một bên vòi trứng và được chỉ định làm thụ tinh nhân tạo (IUI).

Những tưởng lần này ngôi nhà nhỏ tồi tàn sẽ có thêm tiếng cười con trẻ, nhưng không, IUI thất bại. Sau khi khóc cạn nước mắt, vợ chồng anh Hưng lại chỉ biết động viên nhau cố gắng lần sau.

“IUI 2 lần không được nên các bác sỹ khuyên làm IVF. Lúc đó 2 vợ chồng có biết gì về IVF đâu nên thấy nó hơi đáng sợ. Với lại tiền làm IVF cũng quá khả năng mà tỷ lệ đậu lại chỉ khoảng 30%. Nên thôi lại quay về”- anh Hưng nhớ lại.

Anh Hưng cho biết, lúc này 2 vợ chồng đã nản lòng thoái chí lắm rồi, nhưng sau đó lại được bạn bè động viên nên sau nhiều phen đắn đo suy nghĩ, anh chị quyết định vay ngân hàng để làm IVF.

Trời không phụ lòng người, sau khi chuyển phôi, vợ anh Hưng mang song thai khiến 2 người vỡ òa hạnh phúc. Thế nhưng, dường như tạo hóa muốn thử thách vợ chồng anh Hưng thêm chút nữa khi quá trình mang thai của chị Lan Anh lại trở nên khó khăn hơn so với những thai phụ bình thường khác.

Hành trình tìm con trong nước mắt, người vô sinh
Niềm vui được làm cha đến cùng nỗi lo gánh nặng kinh tế với món nợ gần 350 triệu đồng khiến anh Hưng nhiều lúc cảm thấy bế tắc.

“Mang thai đến tuần thứ 6 bị dọa sảy nên vợ chồng lại quay lại BV Nam học nằm điều trị mất 2 tháng. Vợ nằm bất động còn chồng thì cơm nước hàng ngày. Từ đó cho đến lúc sinh, 2 vợ chồng cứ đi đi về về giữa Thái Nguyên và Hà Nội như cơm bữa đến nỗi các bác sỹ ở viện gần như đều quen mặt hết. Cho đến tuần thứ 27 sau khi tiêm thuốc trưởng thành phổi được 1 tuần thì vợ tôi sinh non một cặp trai gái được 1,1kg và 1,2kg”- anh Hưng nhớ lại.

Hạnh phúc vì tổ ấm nhỏ cuối cùng cũng có tiếng khóc, tiếng cười con trẻ, nhưng vợ chồng anh Hưng lại bước vào một nỗi lo khác. “Từ lúc thuốc thang chạy chữa bệnh tật cho vợ rồi IUI, IVF đến khi sinh 2 cháu xong gia đình cũng mất khoảng 350 triệu rồi. 2 vợ chồng lấy nhau chỉ có 2 bàn tay trắng. Số tiền đó đều từ vay mượn anh em, bạn bè rồi vay nợ ngân hàng. Các cháu lại sinh non thiếu tháng, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà, cũng thuốc thang suốt tốn kém vô cùng. Nhiều khi túng quẫn quá mà chả biết làm sao”- anh Hưng tâm sự.

Mặc dù vậy, người đàn ông này vẫn thấy mình may mắn bởi sau bao khó khăn, vất vả, cuối cùng anh chị cũng có được 2 "cục vàng, cục bạc" theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Hành trình tìm con trong nước mắt, người vô sinh
Chị Ngô Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) cùng những chị em trong hội hiếm muộn thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau cùng cố gắng trên hành trình tìm con.

Hi vọng mới cho người vô sinh, hiếm muộn

Vợ chồng anh Hưng không phải là trường hợp duy nhất bị kiệt quệ kinh tế để thoát khỏi “bản án” vô sinh, hiếm muộn và thực hiện ước mong được con yêu gọi mẹ, gọi cha. Chị Ngô Thị Hằng (Phường Thái Bình, TP Hòa Bình), admin một hội nhóm hiếm muộn cho biết, đằng sau những tâm sự của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn là những góc khuất đắng chát không phải ai cũng thấu hiểu, sẻ chia.

“Có những cặp vợ chồng điều trị 7-8 lần không được, phải cầm cố nhà cửa, bán đất bán đai, thậm chí là đi vay nặng lãi để làm IVF. Đến khi thành công rồi thì lại không còn nhà để con ở. Đứa trẻ sinh ra nhưng lại không được lớn lên trong điều kiện tốt. Đáng thương vô cùng”- chị Hằng nói.

Theo thống kê mới nhất của BV Phụ sản Trung ương, nước ta có 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (tương đương hơn 1 triệu cặp) gặp phải các vấn đề vô sinh hiếm muộn và có nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, với các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay, những cặp vợ chồng hiếm muộn phải chi trả mức phí từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để chữa trị, tìm con. 

Hành trình tìm con trong nước mắt, người vô sinh
BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BV Bưu điện.

Theo BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BV Bưu điện, chi phí này không phải là cao so với các nước trên thế giới nhưng lại đang quá mức so với thu nhập bình quân của người Việt Nam Trong khi đó, theo Luật Bảo hiểm Y tế hiện nay, các trường hợp vô sinh hiếm muộn nếu muốn điều trị can thiệp hỗ trợ sinh sản thì phải tự túc kinh phí. Bảo hiểm không thanh toán cho nhóm bệnh nhân này. Đây là rào cản khiến không ít gia đình khó khăn ngậm ngùi chấp nhận cảnh không có con vì không có tiền chạy chữa.

Nói về điều này, chị Ngô Thị Hằng cho biết: “Tôi cũng như những anh chị em vô sinh hiếm muộn đều mong sớm có chính sách BHYT cho người điều trị hiếm muộn. Bởi bản thân việc điều trị vốn đã gây tâm lý nặng nề, thì chi phí điều trị lại là một gánh nặng vô cùng lớn. Nó gần như cấm cửa với người nghèo”.

Chị Hằng cũng cho biết, suốt 4 tháng nay, chị cùng các anh chị em trong hội của mình đi gõ cửa khắp các cơ quan, đoàn thể để hỏi về chính sách cho người vô sinh, hiếm muộn. Quãng thời gian đó là biết bao khó khăn, vất vả, trằn trọc, suy tư… thậm chí nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng chính nỗi đau hiếm muộn mà vợ chồng chị Hằng từng trải qua lại là động lực thúc đẩy chị quyết tâm bước tiếp.

Hành trình tìm con trong nước mắt, người vô sinh
Những văn bản trả lời về vấn đề Bảo hiểm Y tế cho người vô sinh, hiếm muộn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mà chị Hằng nhận được.

Giữa tháng 6/2018, chị Hằng nhận được văn bản trả lời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cuối tháng 7/2018 là văn bản trả lời của Bộ Y tế về chế độ, chính sách BHYT đối với bệnh vô sinh, hiếm muộn. Và mới đây nhất, khoảng giữa tháng 8/2018, chị tiếp tục nhận được văn bản trả lời của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Cả 3 cơ quan đều bày tỏ sự cảm thông đối với những khó khăn mà người bệnh vô sinh, hiếm muộn gặp phải và sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng bệnh tại các địa phương, làm cơ sở để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh khi sửa Luật Bảo hiểm Y tế vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, công bằng và đảm bảo cân đối quỹ Bảo hiểm Y tế.

Mặc dù con đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng những kết quả ban đầu mà nhóm chị Hằng đạt được đã đem đến nhiều hi vọng mới cho những người vô sinh hiếm muộn và nới rộng thêm cánh cửa để những người đang khát con thoát khỏi “bản án” lạnh lùng, đắng chát mang tên hai chữ “vô sinh”.

Thấu hiểu và cảm thông những vất vả khó khăn của các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhiều bệnh viện, các đơn vị hỗ trợ sinh sản đã có các chính sách, chương trình hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây nhất, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tổ chức "Tuần lễ vàng – Ươm mầm hạnh phúc 2018" và hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cặp vợ chồng đến thăm khám. Chi phí này sẽ được khấu trừ trực tiếp khi thực hiện IVF. Ngoài ra, các cặp vợ chồng còn có cơ hội may mắn nhận được tài trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí làm IVF tại bệnh viện lên tới 60 triệu đồng.

Đầu tháng 8/2018, BV Bưu điện Hà Nội cũng có chương trình hỗ trợ 30 triệu đồng/ca IVF cho 100 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, tháng 5/2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giảm 50% chi phí xét nghiệm ADN xác định gene Thalassemia cho tất cả các bệnh nhân có nghi ngờ mang gene Thalassemia trên xét nghiệm công thức máu và miễn phí 100% chi phí IVF và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) cho 3 cặp vợ chồng hiếm muộn.

Thanh Hà - Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN