Thứ bảy, 18/01/2025 | 23:11
RSS

Hành trình tìm con trong nước mắt: Hé lộ 'chợ đen' bán trứng người giá 32 triệu đồng/lượt

Thứ sáu, 17/08/2018, 07:00 (GMT+7)

Giới thiệu toàn người học Đại học, Cao đẳng, "cò" H. phát giá 32 triệu đồng/lượt kèm cam đoan không cần tiếp xúc trực tiếp vẫn có thể mua được trứng để thụ tinh ống nghiệm dễ dàng.

LTS: Lập gia đình, mang thai và sinh con là mơ ước của tất cả các cặp vợ chồng. Nhưng không phải gia đình nào cũng có được may mắn ấy. Nguyên nhân thì nhiều vô kể. Có những trường hợp xuất phát từ chồng, nhưng cũng có không ít trường hợp do vợ bị suy buồng trứng, trứng lép... khiến nỗi buồn hiếm muộn càng trở nên tủi hổ. Và muốn làm mẹ, họ buộc phải đi xin trứng từ người phụ nữ khác.

Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay, ngân hàng trứng tại các bệnh viện luôn trong tình trạng khan hiếm do vẫn có nhiều người mang trong mình tâm lý e ngại. Để thực hiện giấc mơ làm cha, làm mẹ, có không ít người tìm đến "cò" bán trứng như giải pháp cứu cánh cuối cùng.

18 năm và giấc mơ “có được một mụn con”

Phải mất rất nhiều thời gian và công sức, PV Đời sống Plus mới thuyết phục được chị N.T.K (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ về hành trình tìm con trong suốt 18 năm ròng rã của mình.

Chị K. kể, lấy nhau mãi không thấy có “tin vui”, anh chị có đi kiểm tra tại BV Phụ Sản Trung ương và nhận được kết quả chồng chị bị tinh trùng yếu. Mải miết điều trị thành công cho chồng, chị lại gặp một vấn đề về sức khỏe: suy buồng trứng, chỉ số AMH quá thấp. Các bác sỹ khuyên chị nên xin trứng nếu muốn có con.


Chị K. kể về hành trình 18 năm tìm con trong vô vọng của mình.

“Trong lúc tôi đang định làm đơn xin từ ngân hàng trứng thì có người mách cho 1 mối bán trứng. Họ bảo xin trứng nhiều thủ tục rắc rối mà phải đợi lâu, còn mua thì nhanh hơn”- chị K. nói.

Chị K. cho hay, sau khi thỏa thuận sẽ mua với giá 30 triệu đồng/lượt, chị được “mối” gửi cho khá nhiều ảnh và thông tin của các “ứng viên”. Bàn bạc với chồng, chị quyết định chọn một người tên T. sinh năm 1988 ở Thanh Hóa.

“T. nói gia đình khó khăn quá đang vay nợ nhiều, cực chẳng đã nên mới đi bán trứng. Chồng T. cũng đồng ý. Mãi sau này tôi mới biết, lần bán cho tôi, T. được “mối” trả cho khoảng 18 triệu. Sau khi chuẩn bị các giấy tờ, tôi đưa T. đến bệnh viện làm xét nghiệm để kiểm tra các chỉ số. Trước đó 2 bên phải thỏa thuận là khi đến viện bác sỹ có hỏi gì thì phải nói là chủ động hiến tặng chứ không phải mua bán gì”- chị K. kể.

Mặc dù thỏa thuận là thế, nhưng quá trình xin – cho trứng của chị K. cũng không hề thuận lợi như đã nghĩ trước đó.

“Cứ mấy hôm T. lại gọi điện kêu hết tiền ăn, sợ ảnh hưởng đến chất lượng trứng. Hôm nào đi khám là lại than nghèo kể khổ, không có tiền bắt xe lên Hà Nội lại đến không có chỗ nghỉ ngơi. Đến con ốm, chồng ốm cũng thở than khóc lóc với tôi. Mỗi lần nghe T. than thở, cực chẳng đã tôi lại cho tiền. Lúc 200, lúc thì 500 nghìn. Cho đến khi chọc trứng xong, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”- chị K. nói.

Chị K cho biết, đợt IVF lần này, chị tốn gần 150 triệu đồng. Dù phải vay mượn bạn bè một ít, nhưng chị K. vẫn cảm thấy mình gặp may vì đã thành công mang được thai đôi.

"Tú bà" bán trứng giá 32 triệu đồng/lượt

Theo số điện thoại chị K. cho, PV Đời sống Plus liên lạc với một người tự xưng là H. (Hà Nội). Sau khi nghe chúng tôi trình bày mong muốn có một đứa con nhưng chạy chữa mãi không được vì trứng lép, H. đồng ý nhận "giúp" với lý do từng là người hiếm muộn nên rất cảm thông với những người cùng cảnh ngộ.

Khi PV đặt vấn đề muốn mua trứng của người có ngoại hình dễ nhìn, lý lịch trong sạch, có học thức đàng hoàng, H. ngắt lời: "Yên tâm, bên chị toàn người học Đại học, Cao đẳng chứ không có linh tinh, không có gái nhà hàng, đảm bảo cho em kiểm tra bằng, kiểm tra tất cả các thứ. Em không phải suy nghĩ về người bên chị vì chị nuôi ăn ở tại nhà chứ không phải vất vưởng, ăn uống linh tinh".


"Cò" H. gửi cho PV những "ứng cử viên" để lựa chọn.

Thấy PV tỏ ra e ngại về vấn đề pháp lý và sợ xảy ra tranh chấp với người bán trứng, H. cam đoan: "Sau khi xong việc, các bạn ấy sẽ không có mặt trong hồ sơ của em nữa. Nếu em làm chỗ chị, em không cần biết mặt các bạn ấy mà chỉ cần nhìn thoáng từ bên ngoài, hoặc em chỉ cần nhìn qua ảnh mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Bọn chị sẽ làm trực tiếp thì em không có việc gì phải sợ cả. Em cứ yên tâm về vấn đề đó. Bọn chị làm nhiều năm rồi. Thậm chí không cần cho chồng biết bọn chị cũng vẫn sẽ làm được chứ còn không cho bạn kia biết em là ai thì lại rất dễ".

Về vấn đề chi phí, H. cũng tỏ ra khá thẳng thắn: "Chị không lấy tiền từ đầu mà khi nào em đã nhận người chọc trứng và nhận trứng thì bọn chị sẽ đến lấy tiền. Giá thành hiện tại bây giờ 1 ca em không cần biết là ai, chị nuôi ăn nuôi ở, em chỉ cần nhận trứng thì em sẽ trả vào khoảng 32 triệu".

"Em không ưng bạn này chị sẽ đưa bạn khác chứ không nhất quyết là cứ đưa người thì phải lấy".


Ths.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khám, Điều trị Sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Hà Nội (Cơ sở 2)

Những hệ lụy khôn lường

Trao đổi với PV Đời sống Plus, Ths.BS Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khám, Điều trị Sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản, BV Phụ sản Hà Nội (Cơ sở 2) cho biết, khoảng cách an toàn cho mỗi lần hiến trứng là từ 6 tháng đến 1 năm. Bởi khoảng cách giữa mỗi lần hiến trứng quá ngắn có thể khiến người hiến trứng phải đối mặt với nhiều hệ lụy khôn lường.

“Cứ mỗi lần hiến trứng, họ lại phải chịu những mũi tiêm có chứa nội tiết tố để kích thích sự rụng trứng. Nếu thực hiện hiến trứng quá nhiều, buồng trứng của họ sẽ phình to ra rồi đến một lúc nào đó, việc sản xuất trứng của vòi trứng "tịt" hẳn. Lúc đó, họ sẽ phải đối mặt với vấn đề suy buồng trứng sớm, thậm chí là vô sinh”.

Ngoài ra, Ths.BS Tạ Việt Cường còn cho biết, việc thường xuyên hiến trứng trong khoảng thời gian quá ngắn còn khiến chất lượng trứng giảm, tỷ lệ thành công khi làm IVF cũng không cao như trứng của người phụ nữ bình thường.


Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Trao đổi với PV Đời sống Plus, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc Tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người. Noãn là tế bào trứng. Cả hai đều là mô, bộ phận cơ thể người. 

Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau:

“1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.

2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

3. Không nhằm mục đích thương mại.

4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phải tự nguyện vì những mục đích nhất định và không nhằm mục đích thương mại. Do vậy, việc mua bán trứng người trong trường hợp nhằm múc đích thương mại, có lợi nhuận là vi phạm pháp luật. Và hành vi mua bán trứng và tinh trùng vì mục đích thương mại là trái pháp luật và chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định.

Điều 154 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người:

“1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì mục đích thương mại;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với 06 người trở lên;

d) Gây chết người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo đó, người nào thực hiện hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người tùy mức độ mà bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, đối với những trường hợp vi phạm nặng hơn có thể phạt từ từ 7 năm đến 20 năm, mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Còn nữa...

Mời độc giả đón đọc Hành trình tìm con trong nước mắt - Kỳ 4: Lạnh người đường dây bán "con giống" giá bèo vào lúc 7h00 ngày 18/8.

Thanh Hà
Theo Đời sống Plus/GĐVN