Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:50
RSS

Bác sỹ chỉ cách phân biệt say rượu thông thường và ngộ độc rượu để xử lý kịp thời

Thứ năm, 15/02/2018, 07:00 (GMT+7)

Mặc dù có những biểu hiện gần giống nhau nhưng ngộ độc rượu vô cùng nguy hiểm, nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, việc phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu là vô cùng quan trọng.

Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, say rượu và ngộ độc rượu đều có biểu hiện như loạng choạng, hoa mắt... nên rất khó phân biệt. Tuy nhiên, ngộ độc rượu vô cùng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề. Vì vậy, việc phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu là vô cùng quan trọng. 

cách phân biệt say rượu và ngộ độc rượu
Say rượu và ngộ độc rượu có biểu hiện rất giống nhau

Biểu hiện của say rượu thông thường

- Chếnh choáng

- Nói líu lưỡi

- Phối hợp cơ thể kém

- Mất thăng bằng

- Buồn nôn, nôn

Biểu hiện của ngộ độc rượu

- Bất tỉnh

- Co giật

- Tê, yếu chân tay hoặc một bên mặt

- Nói ngọng dù đã tỉnh táo

- Thở khò khè, yếu, nhịp thở không đều, thở chậm, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh

- Ho yếu, ứ đọng đờm rãi ở miệng, họng

- Da, môi, móng tay tím tái, lạnh

- Đại tiện, tiểu tiện ra quần

- Đi tiểu ít hơn thông thường

- Rối loạn cảm nhận về màu sắc

- Nhìn mờ, không rõ ràng

- Chướng bụng, đau bụng

- Mệt, nôn nhiều

- Chậm nhất sau 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn công nghiệp Methanol, nạn nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc rượu.

cách phân biệt say rượu và ngộ độc rượu 2
Một ca ngộ độc rượu cấp cứu tại BV Bạch Mai

Cách xử trí đúng đắn sau khi uống rượu

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, khi uống rượu thấy chếnh choáng, nên tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Cho bệnh nhân uống nước ấm thay vì nước lạnh. Có thể cho bệnh nhân uống thêm các loại nước từ hoa quả như: chanh, cam, bưởi... Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát nhưng phải kín gió. Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

Nếu người uống rượu say và ngủ, không để ngủ li bì, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm.

BS Nguyễn Trung Nguyên cũng nhấn mạnh: "Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện của ngộ độc rượu thì cách tốt nhất nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được kiểm tra. Bởi hầu hết các bệnh nhân đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc- BV Bạch Mai đều khá muộn, tình trạng nặng và tỷ lệ tử vong cao".

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN