Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:07
RSS

Nguy cơ gia tăng ngộ độc rượu dịp cuối năm

Thứ hai, 01/01/2018, 15:48 (GMT+7)

Cảnh báo về ngộ độc rượu, đặc biệt trong dịp Tết được đưa ra thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng coi thường tính mạng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra.

gia tăng nguy cơ ngộ độc rượu dịp cuối năm
Ngộ độc rượu được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

UỐNG RƯỢU HAY CỒN CŨNG KHÔNG RÕ

Thời điểm cuối năm, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc rượu.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán số ca ngộ độc rượu thường tăng mạnh nhất. Ngộ độc rượu không mới, dù đã được cảnh báo nhiều song điều lo ngại nhất là tình trạng sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, dẫn đến ngộ độc methanol.

Trung tâm Chống độc đang điều trị cho nữ bệnh nhân V.T.H (24 tuổi, ở Thanh Thủy, Phú Thọ) bị ngộ độc rượu. Theo gia đình bệnh nhân, chiều ngày 19.12, H. về Bắc Ninh để dự buổi liên hoan gặp mặt bạn. Tại buổi liên hoan, H. gặp bạn bè nên uống nhiều rượu. Thấy H. say, mọi người đưa về phòng ngủ. Đến chiều hôm sau, H. vẫn ngủ li bì, mê man nên nhóm bạn đã đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, nói sảng. Tại đây, H. được xác định bị ngộ độc do uống quá nhiều rượu nên các bác sĩ tiến hành điều trị. Đến nay, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Cũng tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân nam T.V.Q, 57 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Trước đó, ông Q uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nhà, một ngày sau có biểu hiện kích thích do bị ngộ độc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng.

Bệnh nhân được cấp cứu hồi sức, chống độc, đặt nội khí quản, lọc máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL trong khi bình thường 20 mg/dL là rất nặng đã phải lọc máu.

Còn nhớ vụ ngộ độc rượu tập thể suýt lấy đi mạng của 9 sinh viên đầu năm 2017. Thời điểm đó, nhân ngày quốc tế Phụ nữ 8.3, nhóm bạn thanh niên gồm 12 người có cả nam và nữ mua 2,5 lít rượu ở phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội về ăn uống suốt từ trưa đến nửa đêm. Sáng hôm sau, 7 người xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt, nôn ra máu, được đưa vào Bệnh viện 198 cấp cứu sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Hôm sau nữa có thêm 5 sinh viên nhập viện với triệu chứng tương tự, 3 người được về nhà ngay vì xét nghiệm lượng methanol không cao. Tất cả 9 bệnh nhân còn lại đều được xác định ngộ độc rượu methanol và điều trị theo phác đồ ngộ độc rượu, phải nằm viện điều trị. Nhờ được điều trị tích cực nên các bệnh nhân đã vượt qua tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, do hệ quả của nhiễm độc methanol, dù hồi phục sau ngộ độc, 4 sinh viên vẫn bị giảm thị lực và 3 người khác có dấu hiệu tổn thương não. Sau đó, họ tiếp tục trải qua các bước theo dõi thăm dò để kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm: Đa số người ngộ độc methanol do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường. Nhà sản xuất vì lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận. Ngộ độc rượu có 2 loại: ngộ độc rượu do ethanol (rượu tự nấu) và methanol (cồn công nghiệp).

Methanol vào trong cơ thể được chuyển hóa thành chất độc, phát tác chậm. Người ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Sau 1-2 ngày bị ngộ độc methanol, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng. Bên cạnh những ảnh hưởng về tâm thần, uống quá nhiều rượu có thể khiến teo não, mắc bệnh cơ tim giãn, tim to… Ở bệnh nhân xơ gan do rượu, mạch máu giãn phình ra, dễ chảy máu, rất dễ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, bà mẹ mang thai uống nhiều rượu, gây nhiều tác hại lên thai nhi như dễ có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, giảm trọng lượng thai nhi...
“Nguy cơ ngộ độc rượu càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa methanol (hàm lượng methanol vượt ngưỡng trên 0,05% do có thể mù mắt và tử vong cao). Đã có những trường hợp tử vong khi sử dụng rượu chứa methanol, rượu ngâm thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) chứa độc tố tự nhiên. Methanol xuất hiện với nồng độ cao trong máu do người bệnh uống phải rượu pha cồn công nghiệp hoặc pha riêng cồn công nghiệp với nước. Rượu tự nấu có ít methanol và không thể gây ngộ độc. Khi methanol trong máu lên đến 20mg/dl, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương thần kinh”, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên phân tích.

"Triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi uống nhưng cũng có thể muộn hơn. Đáng lo là với những ca ngộ độc rượu này, bệnh nhân chỉ nghĩ là uống rượu bình thường, không phải rượu giả nên nhiều người chủ quan. Khi người uống có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, lúc đó tình trạng ngộ độc đã nặng, điều trị rất khó khăn”, Ths.BS Nguyên cho hay.

gia tăng nguy cơ ngộ độc rượu dịp cuối năm 2
Một ca cấp cứu vì ngộ độc rượu.

BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ RƯỢU

Tại Việt Nam, rượu, bia tiếp cận dễ dàng, mức độ tiêu thụ bình quân đầu người cũng ở mức cao - đó là những nguyên nhân làm gia tăng số vụ ngộ độc rượu thời gian gần đây.
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: sản lượng rượu, bia được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Năm 2010 tiêu thụ 2,4 triệu lít bia, 59 triệu lít rượu công nghiệp. Đến 2015, lượng tiêu thụ tăng lên 3,4 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu. Xét về lượng cồn nguyên chất tiêu thụ hàng năm, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 29 trên thế giới.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1.11.2017. Theo Nghị định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với ủy ban nhân dân cấp xã.

Nhìn vào thực tế rượu là sản phẩm mang tính văn hoá đặc trưng, gắn liền với một vùng miền và trở thành thức uống không thể thiếu trong những dịp lễ hội, cúng kiếng hay những lễ nghi giao tiếp. Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu diễn ra hàng ngày dễ dàng.

Rượu không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần chiết xuất (rượu 3 không) vẫn được bày bán khắp nơi. Nhiều quán cơm, tiệm tạp hóa hay các quán cóc ven đường đều có bán rượu trôi nổi. Phổ biến nhất là loại rượu trắng không nhãn mác được gọi với tên "rượu quê" có giá bán buôn tại Hà Nội chỉ khoảng 10.000 đồng/lít rượu sắn (mì), 15.000 đồng/lít rượu gạo...

Hà Lê
Theo Lao động