Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, đại diện Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công thương, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường - Bộ Công an và đại diện Sở Y tế Hà Nội.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm; hộ gia đình sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Đã có 22/63 tỉnh, thành phố có xảy ra các ca ngộ độc rượu (chiếm 34,9%)
Cũng theo số lượng thống kê của Cục Cục An toàn thực phẩm, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Riêng năm 2017 ghi nhận số ca ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.
Đặc biệt thống kê nhiều năm qua cho thấy, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2-4, trùng với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Trung bình trong 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2-4 hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại. Có 2 loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc Etylic (còn gọi là rượu Ethanol) và ngộ độc cồn Methylic (Methanol).
Nguyên nhân gây ra thực trạng trên là do thị trường vẫn tồn tại rượu không bảo đảm an toàn, chứa hàm lượng Methanol cao; đặc biệt là rượu sản xuất thủ công, không nhãn mác, gian lận thương mại... Đồng thời, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về chế biến, lựa chọn, sử dụng rượu chưa cao. Ngoài ra, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu thủ công còn nhiều hạn chế.
Tại hội nghị, thượng tá Bùi Đức An - đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã kiến nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại rượu thủ công, truyền thống. Đồng thời, các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, lạm dụng rượu bia gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông ngộ độc rượu, các bệnh ung thư, tim mạch, huyết áp, tâm thần... Vì vậy, để phòng, chống ngộ độc rượu, bảo vệ sức khỏe của người dân, các cơ quan chức năng cùng cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nặng các nhà sản xuất, đặc biệt là sản xuất nhỏ về rượu không bảo đảm chất lượng đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.