Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:23
RSS

Bác sĩ chỉ cha mẹ cách phân biệt Tay Chân Miệng với các bệnh khác

Thứ sáu, 05/10/2018, 12:59 (GMT+7)

Theo các bác sĩ, khá nhiều bệnh nhân nhiễm virus Tay Chân Miệng nhưng không có triệu chứng rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác.

Bác sĩ chỉ cách phân biệt Tay Chân Miệng với các bệnh khác
Các phụ huynh cần học ngay cách phân biệt tay chân miệng với các bệnh khác.

Bệnh Tay Chân Miệng có những biểu hiện gần giống với nhiều bệnh khác như viêm loét miệng, thủy đậu, sốt vi rút…nên thường khiến cho các bậc cha mẹ nhầm lẫn với khác bệnh khác dẫn tới chậm chữa trị, chữa trị không đúng cách, khiến bệnh tiến triển nhanh hơn và khó kiểm soát khi bị nặng.

PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương đã chỉ ra một số biểu hiện, triệu chứng có thể giúp sớm phân biệt được bệnh Tay Chân Miệng với các bệnh lý khác như sau:

Phân biệt với sốt virus

Bệnh Tay Chân Miệng và bệnh sốt virus đều có biểu hiện sốt cao nên ở giai đoạn đầu khó phân biệt. Vì vậy, cần căn cứ vào biểu hiện sốt.

Với bệnh sốt virus, đôi khi trẻ bị sốt cao 38,5 độ C, 39,5 độ C, sốt liên tục, dùng thuốc hạ sốt thì đỡ; sốt kéo dài 24-48 giờ, thậm chí là 72 giờ nhưng toàn trạng tỉnh táo, khám không thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, phổi, đường ruột, sau sốt có thể nổi ban mỏng, rải rác hoặc cũng có thể mọc toàn thân

Với Tay Chân Miệng thì sốt cao liên tục, 39 - 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, phát ban ngay từ khi sốt, ban xuất hiện ở lòng bàn tay, chân và khoang miệng. Trong trường hợp trẻ không có triệu chứng điển hình như trên thì nếu thấy sốt cao liên tục cần đưa đi khám ngay. 

Bác sĩ chỉ cách phân biệt Tay Chân Miệng với các bệnh khác 2
Khi trẻ sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt cần đi khám ngay.

Phân biệt bệnh Tay Chân Miệng với bệnh viêm loét miệng thông thường

Bệnh Tay Chân Miệng cũng dễ nhầm với các bệnh có biểu hiện loét miệng khác như viêm loét miệng.

Trong trường hợp này cần phân biệt qua biểu hiện: với viêm loét miệng thường có vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát; còn với Tay Chân Miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phân biệt Tay Chân Miệng với sốt phát ban, dị ứng, thủy đậu, viêm da mủ

Cùng với bệnh Tay Chân Miệng, rất nhiều bệnh khác cũng có biểu hiện phát ban trên cơ thể hoặc tay chân như sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu,…

Có thể phân biệt bệnh Tay Chân Miệng với bệnh sốt phát ban qua triệu chứng: với sốt phát ban, các ban thường xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai, còn ban của bệnh Tay Chân

Miệng xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. 

Bác sĩ chỉ cách phân biệt Tay Chân Miệng với các bệnh khác 3
Một em bé bị Tay Chân Miệng đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Phân biệt Tay Chân Miệng với bệnh dị ứng

Phân biệt Tay Chân Miệng với bệnh dị ứng qua triệu chứng: bệnh dị ứng xuất hiện các ban hồng, ban đa dạng, không có phỏng nước, có thể xuất hiện ở khắp cơ thể hoặc một khu trú nào đó.

Phân biệt ban của bệnh Tay Chân Miệng với bệnh viêm da mủ qua triệu chứng: bệnh viêm da mủ thường nổi ban đỏ, gây đau rát, có mủ. Phân biệt bệnh Tay Chân Miệng với thủy đậu qua biểu hiện: bệnh thuỷ đậu xuất hiện các phỏng nước nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.

Phân biệt Tay Chân Miệng với sốt xuất huyết Dengue qua triệu chứng: SXH xuất hiện các chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc… 

Phân biệt Tay Chân Miệng với viêm miệng do virus herpes

Bác sĩ chỉ cách phân biệt Tay Chân Miệng với các bệnh khác 4
Bệnh Tay Chân Miệng hay gặp ở nhóm trẻ từ 2 - 6 tuổi.

Một bệnh lý có triệu chứng gần giống với bệnh Tay Chân Miệng là viêm miệng do virus herpes. Tuy nhiên, bệnh lý này chỉ có loét miệng kèm sưng các nướu lợi, không có phát ban trên da.

Theo PGS Điển, bệnh Tay Chân Miệng hay gặp nhất ở nhóm trẻ từ 2 - 6 tuổi. Biểu hiện của bệnh là sốt, sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Ngoài ra trẻ xuất hiện các tổn thương ở da như dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra khi chăm sóc trẻ bị Tay Chân Miệng cần lưu ý.

Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục như sau

- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…

- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…

- Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ …Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.


Xem thêm Clip: Những dấu hiệu để cha mẹ ngay lập tức nhận ra căn bệnh chân tay miệng vô cùng nguy hiểm ở trẻ

Lê Phương
Theo Đời sống Plus/GĐVN