Thứ bảy, 18/01/2025 | 08:47
RSS

Australia: 5 triệu dân sẽ được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer

Thứ ba, 10/11/2020, 11:21 (GMT+7)

Khoảng 5 triệu người dân Australia sẽ được tiêm vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer và Công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech sau khi 2 đơn vị này khẳng định vaccine thử nghiệm của họ đạt hiệu quả bảo vệ trên 90%.

Sự kiện:
Australia

Tin tức lạc quan này được lan truyền sáng 10/11, giới chuyên gia y tế toàn cầu đã hoan nghênh bước phát triển đột phá trong quá trình nghiên cứu tìm ra vaccine ngừa covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer và Công ty công nghệ sinh học của Đức BioNTech sau khi 2 đơn vị này ra thông báo khẳng định vaccine thử nghiệm của họ đạt hiệu quả bảo vệ trên 90%. Việc vaccine có khả năng bảo vệ trên 90% là bước đột phá lớn.

Được biết, tuần trước, chính phủ Australia đã ký thỏa thuận đặt mua 10 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 do hãng Pfizer hợp tác phát triển với đối tác BioNTech và 40 triệu liều vaccine khác từ Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ. Trước đó, Australia đã đạt thỏa thuận mua gần 85 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca và Đại học Queensland.

Cho đến nay, Australia đã ký 4 thỏa thuận để mua gần 135 triệu liều vaccine với chi phí lên đến 3,2 tỷ AUD để đảm bảo bao phủ vaccine miễn phí cho toàn bộ người dân đồng thời hỗ trợ 27 quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương đối phó với đại dịch Covid-19.

Theo đó, cuộc sống của người dân Australia sẽ có thể sớm trở lại bình thường sau khi vaccine ngừa Covid-19 thử nghiệm của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer được cấp phép sử dụng. Thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer thành công cũng đồng nghĩa với việc 5 triệu người dân Australia sẽ được tiếp cận với vaccine này từ đầu năm tới.

Australia: 5 triệu dân sẽ được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer

Ảnh minh họa

Được biết, hiện vaccine này được thử nghiệm tại 6 quốc gia trên thế giới với dự tham gia của gần 43.600 người tình nguyện. Sau khi tiêm vaccine, một số người tình nguyện đã có các triệu chứng như sốt và đau nhức trong vài ngày nhưng không ghi nhận các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Giám đốc điều hành BioNTech, ông Ugur Sahin tin tưởng vaccine của công ty có khả năng bảo vệ trước đại dịch Covid-19 trong ít nhất 1 năm. Còn hãng dược phẩm Pfizer cho biết hãng này sẽ cung cấp ra thị trường 50 triệu liều vaccine trong năm nay và khoảng 1,3 tỷ liều khác trong năm 2021.

Bên cạnh đó, từ ngày 9/11, Tập đoàn y tế lớn nhất của Australia CSL sẽ sản xuất vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Anh) phát triển trong bối cảnh loại vaccine này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo TTXVN, CSL dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu liều vaccine trên tại nhà máy ở Broadmeadows, phía bắc thành phố Melbourne. Nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả thành công, những liều vaccine đầu tiên sẽ được cung cấp vào nửa đầu năm 2021, ưu tiên dành cho người già và những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng cần được tiêm chủng sớm. Dự kiến, mỗi người dân Australia sẽ cần ít nhất hai liều vaccine để có thể chống lại virus SARS-CoV-2. CSL tiết lộ các bước sản xuất vaccine sẽ bao gồm việc làm tan băng các tế bào vaccine và tái tạo chúng trong các lò phản ứng sinh học.

Chính phủ Australia đã đầu tư 1,7 tỷ AUD (1,2 tỷ USD) cho việc sản xuất hai loại vaccine phòng Covid-19 gồm vaccine của hãng AstraZeneca và một loại khác có tên là UQ-CSL V451 do chính CSL phát triển cùng với Đại học Queensland. Vaccine AstraZeneca, được coi là tiên tiến nhất trên thế giới sử dụng tế bào virus sống, khác với vắc xin UQ dựa trên "kẹp phân tử" để kích hoạt phản ứng miễn dịch bảo vệ. Hiện CSL đã sản xuất các lô vaccine UQ và dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng tới. Nếu thử nghiệm thành công, công ty này sẽ sản xuất 50 triệu liều vaccine UQ như một phần của thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ AUD mà CSL đã ký với chính phủ Australia.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN