Chủ nhật, 24/11/2024 | 16:13
RSS

Ăn trưa với rau rừng do người quen hái, hai chị em ở Phú Thọ nguy kịch

Thứ năm, 04/04/2024, 06:45 (GMT+7)

Sau khi ăn trưa với rau rừng được người quen hái, hai chị em xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ảo giác, sụp mi, liệt cơ hàm dưới, không nói được, co giật nên được người nhà đưa đến cơ sở y tế.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị này mới đây đã tiếp nhận cùng lúc 2 trường hợp nguy kịch do ăn nhầm lá ngón.

Cụ thể, bệnh nhân là hai chị em gái N.T.T và N.T.B.T (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ). Người nhà các bệnh nhân cho hay, khoảng 15 phút sau khi ăn trưa với rau rừng được người quen hái thì hai chị em bị hoa mắt, chóng mặt, ảo giác, sụp mi, liệt cơ hàm dưới, không nói được, sau đó co giật nên gia đình đã đưa cả hai đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê.

Ăn trưa với rau rừng do người quen hái, hai chị em ở Phú Thọ nguy kịch

Hai chị em nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc lá ngón. Ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tại đây, hai chị em được sơ cứu, rửa dạ dày và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Thời điểm nhập viện, hai bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, nhịp tim và huyết áp tăng, co giật.

Qua ghi nhận từ tuyến huyện có lá ngón trong dịch rửa dạ dày các bệnh nhân nên các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp ngộ độc lá ngón. Ngay lập tức, các bệnh nhân được duy trì thở máy qua ống nội khí quản, kiểm soát hô hấp, tim mạch, dùng thuốc chống co giật, dùng than hoạt giải độc qua sonde dạ dày.

Sau hơn 1 ngày hồi sức tích cực, các bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy dòng cao. Hiện tại, sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện, sức khỏe của hai bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở vùng núi các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong với những biểu hiện mức độ tăng dần. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, nạn nhân có thể tử vong trong vòng 1-6 giờ đầu.

Các triệu chứng của người bệnh như sau: Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, da lạnh, vã mồ hôi, yếu cơ, nặng có thể liệt hoàn toàn; Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được miệng; Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật; Nạn nhân tử vong do liệt cơ, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Trong trường hợp phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như uống đầy nước để móc họng gây nôn (đối với nạn nhân còn tỉnh), nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để rửa dạ dày, dùng than hoạt, truyền dịch để loại bỏ và ngăn cản hấp thu độc chất. Sau đó, chuyển nạn nhân đến các bệnh viện chuyên khoa để cấp cứu giải độc.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại