Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:13
RSS

Ăn canh lá lộc mại chữa táo bón, bé gái 4 tuổi suýt mất mạng

Thứ tư, 19/08/2020, 10:25 (GMT+7)

Sau 2 ngày ăn canh lá lộc mại để chữa táo bón, bé gái 4 tuổi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, không ăn uống, da vàng, niêm mạc nhợt nhạt, tiểu ra máu đỏ sẫm.

Sự kiện:
Ngộ độc

Ăn canh lá lộc mại chữa táo bón, bé gái 4 tuổi suýt mất mạng

Bé gái nguy kịch tính mạng sau khi ăn canh lá lộc mại chữa táo bón. Ảnh minh họa

Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho Dân trí biết, khoa Tiêu hóa – Máu bệnh viện vừa qua đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhi N.T.H.Y (4 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bị ngộ độc lá lộc mại. 

Người nhà bệnh nhi cho hay, trước đó thấy con bị táo bón lâu ngày, mẹ của bé đã dùng lá lộc mại để nấu canh chữa táo bón theo kinh nghiệm dân gian. Sau khi ăn 2 ngày, bé Y. có biểu hiện mệt mỏi nhiều, không ăn uống được, da vàng toàn thân, niêm mạc nhợt nhạt, đái máu đỏ sẫm. Gia đình lập tức đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, lúc này bé Y. đang trong tình trạng nguy kịch.

Trao đổi với Zing, BS CKI. Nguyễn Thúy Dung, Phó trưởng khoa Tiêu hóa - Máu cho biết kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm cho thấy trẻ có dấu hiệu tan máu cấp tính và thiếu máu nặng phải truyền máu cấp cứu. 

Sau một tuần được điều trị tích cực, truyền máu, truyền dịch, lợi tiểu, hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Đây là một trong nhiều trường hợp tan máu cấp do ăn lá lộc mại để điều trị táo bón mà khoa đã điều trị.

Theo BS Dung, lộc mại là loại cây nhỏ, cao 2-3m, có nhiều cành nhỏ, giòn. Cây lộc mại thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Giang, Hà Tây, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hoà Bình. Người dân thường hái lá về làm thuốc, mùa hái hầu như quanh năm.

BS Dung cho biết, lá lộc mại rất độc và có thể gây tử vong rất nhanh nếu như ăn và uống với số lượng lớn. Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Trường hợp trẻ đến muộn, bị tan máu quá nhiều, không kịp truyền máu có thể dẫn đến tử vong.

Qua trường hợp bệnh nhi trên, BS Dung khuyến cáo không nên sử dụng lộc mại và một số lá cây rừng khác để chữa bệnh, làm món ăn. Người dân cần nâng cao hiểu biết, tránh những thực phẩm có độc, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN