Thứ ba, 23/04/2024 | 20:31
RSS

Sơn La: 19 người bị ngộ độc vì ăn bọ xít

Thứ tư, 17/06/2020, 18:15 (GMT+7)

Cả 19 người sau khi ăn bọ xít đều có chung biểu hiện là đau người, đau bụng, nôn và đi ngoài. Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc côn trùng.

Sơn La: 19 người bị ngộ độc vì ăn bọ xít
6 bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn bọ xít được chuyển xuống bệnh viện đa khoa Sơn La. Ảnh: VOV.

Theo thông tin trên VOV, Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu (Sơn La) vừa tiếp nhận 19 người bị ngộ độc do ăn bọ xít. Khi vào viện các bệnh nhân đều có biểu hiện đau mỏi cơ, đau bụng, nôn nhiều, đi ngoài và tổn thương tế bào gan được chẩn đoán là ngộ độc côn trùng.

Trước đó, tối 10/6, có tất cả 19 người cùng bản Khiêng, xã Mường Khiêng là anh em họ hàng, sau khi giúp nhau làm đồng đã tổ chức ăn uống và đến sáng hôm sau thì có biểu hiện như trên.

Cả 19 người sau khi ăn bọ xít đều có chung biểu hiện là đau người, đau bụng, nôn và đi ngoài. 13 người có biểu hiện nhẹ được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu, 6 người có triệu chứng nặng được chuyển ngay xuống bệnh viện đa khoa Sơn La.

Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, các bác sỹ đã thực hiện truyền giải độc và điều trị theo triệu chứng cho từng người. Hiện sức khỏe của 19 người bị ngộ độc do ăn bọ xít đều đã ổn định.

Sơn La: 19 người bị ngộ độc vì ăn bọ xít 2
Các loại côn trùng có thể nhiễm các loại vi khuẩn, nấm độc hoặc chứa các loại protein lạ gây dị ứng. Hình minh họa.

Chia sẻ với Gia đình&Xã hội, các bác sỹ bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu khuyến cáo, việc sử dụng các món ăn từ côn trùng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí xảy ra ngộ độc cho người sử dụng. Nguyên nhân là do các loại côn trùng có thể nhiễm các loại vi khuẩn, nấm độc hoặc chứa các loại protein lạ gây dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm.

Việc thiếu kiến thức trong việc lựa chọn, sơ chế đối với những loại thức ăn từ côn trùng đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe… Để tránh bị ngộ độc, người dân không nên sử dụng các loại nhộng, côn trùng, ấu trùng lạ, đặc biệt là các loại côn trùng đã chết hoặc có màu sắc khác với tự nhiên.

Chỉ nên sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng phổ biến, còn tươi và đặc biệt là phải có nguồn gốc rõ ràng, được nuôi theo quy trình để chế biến làm thức ăn. Bên cạnh đó, việc chế biến phải đảm bảo an toàn, thực hiện đúng phương châm "ăn chín, uống sôi" để tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.

Kiều Khanh (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN