Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:06
RSS

Bị nhiễm trùng máu, teo não vì vết côn trùng đốt li ti

Thứ bảy, 04/11/2017, 07:00 (GMT+7)

Nhiều người chủ quan nghĩ côn trùng đốt chỉ để lại vết thương nhỏ, không đáng bận tâm. Nhưng sự việc cháu bé tại Thanh Hóa bị nhiễm trùng máu, teo não sau khi bị côn trùng đốt khiến nhiều phụ huynh giật mình lo sợ.

teo não vì vết côn trùng đốt
Bé Bùi Thị Bảo An bị nhiễm trùng máu, teo não không thể nhận thức, chân tay co quắp vì bị côn trùng đốt.

Nhiễm trùng máu, co quắp sau khi bị côn trùng đốt

Ôm đứa con trong lòng, chị Đặng Thị Huế (trú tại thôn Thắng – Quảng Nham – Quảng Xương – Thanh Hóa) không khỏi ngậm ngùi về đứa con gái bé bỏng của mình. Con gái chị, cháu Bùi Thị Bảo An (sinh ngày 9/7/2016) đang điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trong tình trạng chân tay bị co quắp, mặt mũi thẫn thờ như người mất hồn, không tự chủ, không nhận thức được. Ai cũng bàng hoàng bởi hậu quả khủng khiếp này xuất phát từ việc bé Bảo An bị côn trùng đốt cách đây chưa lâu.

teo não vì vết côn trùng đốt
Chị Huế chỉ vết côn trùng cắn bé xíu cạnh mang tai.

Ban đầu, cháu bé có một vết nhỏ xíu gần mang tai. Ít lâu sau, gia đình phát hiện Bảo An bị sốt cao mới đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để cứu chữa. Tại đây, các BS chẩn đoán cháu bị nhiễm trùng máu, co giật, sốt cao.

Sau 2 tháng tận tình cứu chữa, cuối cùng cháu bé cũng được chữa khỏi. Tuy nhiên, biến chứng của chất độc khiến não của Bảo An bị teo 2 bên bán cầu, chân tay co quắp, mắt không thể quan sát và không thể nhận thức được.

teo não vì vết côn trùng đốt
Không chỉ bị teo não mà chân tay Bảo An luôn trong tình trạng co quắp.

Coi chừng mất mạng vì côn trùng cắn, đốt

Sự việc của bé Bùi Thị Bảo An một lần nữa khiến các bậc phụ huynh không khỏi giật mình. Bởi lâu nay ai cũng chủ quan nghĩ côn trùng đốt, chỉ là một vết thương nhỏ, không đáng bận tâm.

Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Trường Sơn, chuyên gia ngành da liễu tại TP.HCM phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều, người dân chớ chủ quan bởi côn trùng cắn, đốt có thể gây hậu quả rất nguy hiểm.

“Côn trùng cắn và đốt có thể chia thành hai nhóm độc và không độc. Nhóm côn trùng gây độc chúng tiêm chất độc tố vào da người qua vòi của chúng, gây đau đớn. Trong khi đó, côn trùng không độc cắn da để hút máu, gây ngứa dữ dội”, Bác sĩ Trương Sơn nói.

Côn trùng đốt gây độc là ong bắp cày, ong bò vẽ, kiến lửa, kiến ba khoang. Côn trùng đốt không độc gồm muỗi, bọ chét, ve, chấy, ghẻ, rệp, sâu bướm. “Côn trùng độc đốt thường gây ra cảm giác châm chích, đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ. Người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng sẽ thấy đau nhói, thậm chí ngay sau khi đốt có thể xảy ra phản ứng dị ứng như mặt sưng, khó thở, phát ban mề đay toàn thân, thậm chí sốc phản vệ nặng, đe doa tới tính mạng”, Bác sĩ Trường Sơn cảnh báo.

Với côn trùng không độc, gây ít triệu chứng đau nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan. “Bởi tại vết cắn có thể xuất hiện sẩn mề đay, nốt bỏng rộp trên da. Chỗ da bỏng rộp dễ bị vỡ, tạo vết thương hở rất lâu lành, nếu nặng có thể gây nhiễm trùng máu. Ngoài ra, côn trùng đốt không độc đốt cũng có thể truyền cho người một số bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết… Cho nên người dân tuyệt đối không được chủ quan nếu bị côn trùng đốt”, Bác sĩ Trường Sơn nhấn mạnh.

teo não vì vết côn trùng đốtThạc sĩ - Bác sĩ Lương Trường Sơn

Xử lý kịp thời thế nào?

Theo bác sĩ Sơn, sau khi bị côn trùng đốt, gây phản ứng nhẹ như ngứa, mẩn, người dân cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc thuốc khử trùng mua tại hiệu thuốc. Có thể chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng nề. Trong trường hợp bị ong đốt, nếu chỉ gây phản ứng đau và ngứa nhẹ, người bệnh cần lấy nhíp nhổ ngòi ra, rửa sạch vết thương. Sau đó bôi tại chỗ kem steroid hoặc dung dịch calamine nhiều lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng giảm dần.

“Nếu côn trùng chích, đốt gây ra phản ứng nặng hay sốc phản vệ thì người bệnh cần được đưa tới bệnh viện để cấp cứu càng sớm càng tốt để tránh hậu quả khôn lường”, Bác sĩ Trường Sơn nhấn mạnh.

Trong trường hợp vết thương có dấu hiệu lâu lành, phồng rộp, người bệnh cũng cần tới chuyên khoa da liễu để điều trị. Bởi rất có thể, vết cắn của côn trùng có mang mầm bệnh, cần điều trị bằng kháng sinh phù hợp để tránh bị nhiễm trùng máu.

Bác sĩ Trường Sơn nhắn nhủ: “Những người có cơ địa dị ứng cần đặc biệt lưu ý phải mang theo hộp thuốc chống dị ứng có chứa Adrenaline – thuốc đầu tay trong điều trị sốc phản vệ mỗi khi đi rừng, hoặc đi du lịch vào khu vực có nhiều côn trùng. Nếu chẳng may bị côn trùng độc đốt, đây sẽ là phương án cứu mạng rất hữu ích trong thời gian chờ đợi tới bệnh viện cấp cứu”.

Minh Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN