Có nhiều cách trị nghẹt mũi mạn tính trong đó có cách dùng nước muối sinh lý
Nghẹt mũi là một dấu hiệu thường gặp của đường hô hấp, nhất là mỗi khi thời tiết thay đổi. Triệu chứng này có thể chỉ là biểu hiện của cảm lạnh thông thường, có thể tự hết. Tuy nhiên, khi nghẹt mũi mạn tính, bạn cần chú ý, đó có khả năng là dấu hiệu của một vấn đề khác nghiêm trọng hơn.
Nhận biết nghẹt mũi mạn tính
Khi bạn bị nghẹt mũi trong một thời gian dài, khoảng trên 3 tuần, được coi là nghẹt mũi mạn tính. Bên cạnh việc mũi bạn luôn có dịch gây tắc mũi, không thở được bằng mũi. Nghẹt mũi mạn tính còn có các dấu hiệu nhận biết nghẹt mũi mạn tính khác như:
Thay đổi giọng nói: giọng bạn trở nên khàn, nghe ngàn ngạt như không có không khí đi qua mũi.
Khó thở khi ngủ: tình trạng nghẹt mũi thường tăng về ban đêm khiến bạn khó thở, làm cho giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không sâu giấc, hậu quả là bạn luôn mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, có xu hướng ngủ nhiều hơn, làm giảm hiệu quả lao động.
Với trẻ nhỏ, ngáy nhiều trong khi ngủ cũng có thể là dấu hiệu của nghẹt mũi kéo dài.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi mạn tính có thể là viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp trên, rối loạn nội tiết, tiếp xúc thường xuyên, liên tục với các tác nhân: khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá....
Bạn có thể phải dùng một số loại thuốc nhằm giảm tình trạng nghẹt mũi nhưng lại đi kèm nhiều tác dụng phụ, không nên dùng kéo dài và cần có sự kiểm soát của bác sỹ.
Để hỗ trợ điều trị cũng như giúp giảm bớt sự khó chịu do nghẹt mũi mạn tính bạn có thể áp dụng nhiều cách phối hợp với nhau.
Rửa mũi hàng ngày bằng nước muối
Bạn có thể rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý, nước muối biển có bán tại các hiệu thuốc hoặc tự pha theo công thức: nửa thìa cà phê muối pha với ¼ lít nước.
Có thể nhỏ trực tiếp nước muối vào từng bên mũi hoặc dùng để súc họng (bạn ngậm một ngụm nước muối, ngửa cổ lên cho nước trôi xuống họng nhưng bạn đừng nuốt mà hãy thổi hơi lên cho nước muối bị tống ngược trở lại gây ra tiếng động trong cổ họng). Với nước muối này, bạn sẽ không bị khó chịu như khi nước chảy vào mũi. Rửa mũi hàng ngày khoảng 2 – 3 lần giúp bạn dễ chịu hơn.
Nên uống nhiều nước
Uống nước giúp cuốn bớt phần dịch mũi trôi xuống họng, làm giảm cảm giác ngứa, vướng tắc ở họng nên bạn đỡ phải tằng hắng hơn. Nước ấm có pha chút chanh là tốt nhất trong trường hợp này.
Tập thể dục
Có thể bạn sẽ thấy không liên quan lắm, thậm chí thấy không hợp lý khi mà mũi bạn không thở được lại đi tập thể dục. Tuy nhiên, khi tập thể dục, động tác hít sâu, thở mạnh giúp cho luồng không khí ra vào mũi nhiều hơn, làm giảm sự bít tắc trong mũi.
Tập thể dục cũng giúp bạn nâng cao sức đề kháng, tránh việc mắc thêm những loại vi khuẩn, virus khác vốn rất thích môi trường ẩm ướt ở khoang mũi bị nghẹt.
Ngoài ra bạn có thể áp dụng một số mẹo trị nghẹt mũi mạn tính không dùng thuốc tại nhà sau đây
Cách 1 : Dùng 2 ngón tay trỏ hướng vào hai bên lỗ mũi, ấn đẩy lên đẩy xuống 2 huyệt nghinh hương (sát cạnh cánh mũi), làm cho 2 lỗ mũi lúc thu hẹp lại, lúc phồng ra, đồng thời hít vào mạnh, tắc bên nào hít bên đó, thở ra đường miệng.
Nếu 2 lỗ mũi vẫn tắc dùng ngón trỏ và ngón cái cùng bên cầm đầu chóp mũi lắc qua lắc lại, vừa lắc vừa hít mạnh đến khi thật thông thì thôi. Cuối cùng, dùng ngón tay cái để vào đầu mũi phía sát đường nhân trung môi trên bật ngược mũi lên 5-7 lần. Mỗi ngày làm từ 3-7 lần.
Cách 2 : Dùng 1 tép tỏi giã nát đắp vào huyệt dũng tuyền, mỗi tối 1 lần. Cách xác định huyệt: lấy ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối giữa gốc ngón chân 2 (kể từ ngón cái) và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.
Để nâng cao hiệu quả điều trị có thể kết hợp dùng các bài thuốc và các phương pháp với nhau.
Để có thể điều trị nghẹt mũi mạn tính tận gốc, bạn cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có các biện pháp điều trị phù hợp Tránh tự ý dùng thuốc tại nhà có thể làm cho bệnh nặng thêm, ảnh hưởng không tốt tới việc điều trị sau này.