Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:07
RSS

Từ vụ bé 5 tháng tuổi tử vong nghi do hút mũi, bác sỹ cảnh báo: "Đừng tưởng hút mũi là đơn giản"

Thứ năm, 02/11/2017, 14:23 (GMT+7)

Thời gian gần đây, thông tin bé 5 tháng tuổi tử vong nghi do hút mũi khiến dư luận xôn xao. Trong khi chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết "đừng tưởng hút mũi là đơn giản".

có nên hút mũi cho trẻ không
Vụ việc bé N.C.V.A (5 tháng tuổi) tử vong nghi do hút mũi khiến dư luận xôn xao.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xôn xao về trường hợp bé N.C.V.A (5 tháng tuổi) ở Tuyên Quang tử vong nghi là do hút mũi. Người thân bé N.C.V.A cho biết, ngày 29/10, khi thấy cháu bị nghẹt mũi, khó thở, bố mẹ cháu có đưa cháu đi khám tư và được bác sỹ kết luận là cháu ho và viêm mũi. 

Chưa yên tâm, khi thấy con có dấu hiệu bú khó khăn, đến 5h50 sáng ngày 31/10, bố mẹ cháu đưa con nhập viện. Đến 10h47 cùng ngày, bé N.C.V.A được đưa sang phòng để hút mũi. Sau khi hút xong, bác sỹ dặn người nhà rằng "1 ngày hút 1 lần". Tuy nhiên, theo gia đình bé N.C.V.A, khi về đến phòng, bé có biểu hiện tím tái.

Thấy vậy, người nhà liền đưa cháu quay trở lại phòng hút mũi để cấp cứu. Sau đó, cháu bé được chuyển lên tuyến Trung ương để cấp cứu, nhưng đã tử vong ngay trên đường đi. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ việc.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa rõ nguyên nhân khiến bé N.C.V.A tử vong mà cần đợi kết luận của các cơ quan chức năng, tuy nhiên, sau khi đăng tải trên mạng xã hội, thông tin này lập tức khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, nhất là đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ. 

Trao đổi với PV Đời sống Plus, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hút mũi cho trẻ là 1 việc tưởng như đơn giản nhưng thực tế không hề đơn giản chút nào.


Hút mũi cho trẻ tưởng là một việc đơn giản nhưng lại không hề đơn giản chút nào. Ảnh minh họa.

Có nên hút mũi cho trẻ

Nhiều cha mẹ thấy trẻ bị sổ mũi, hắt hơi đã vội vàng tự rửa, hút mũi cho con hoặc đưa con đến các cơ sở y tế để hút mũi. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, việc này là không nên. "Khi trẻ bị triệu chứng, ho, sổ mũi phải tìm ra nguyên nhân cụ thể do bệnh gì gây nên, để điều trị bệnh đó. Nếu chỉ lạm dụng việc rửa mũi thì hại nhiều hơn lợi. Ví như trẻ bị viêm phổi thì phải điều trị và chữa khỏi bệnh phổi, bị viêm mũi dị ứng phải chữa bệnh viêm mũi dị ứng, cứ thấy sổ mũi mà cho đi hút mũi là hại hơn, làm bệnh nặng hơn"- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

BS Dũng nhấn mạnh với các bậc cha mẹ, không nên nghĩ hút mũi là đơn giản vì tùy từng trường hợp, bác sỹ mới có thể chỉ định hút mũi. Trẻ sơ sinh cũng có thể hút mũi, tuy nhiên phải hết sức thận trọng. "Hút mũi cho trẻ phải có chuyên môn, có kinh nghiệm, động tác hút cũng phải khác với hút mũi cho người lớn. Nếu không cẩn thận trẻ có thể bị sặc rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu có chỉ định phải hút mũi, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín để thực hiện hút mũi"- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai 

Vệ sinh mũi họng đúng cách cho trẻ

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ cần được vệ sinh mũi họng đúng cách. Khi thấy trẻ bị viêm mũi họng, cha mẹ có thể dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi, nên nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho trẻ, làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.

Việc vệ sinh mũi cho trẻ cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ, nếu lạm dụng việc rửa, hút mũi cho trẻ có thể khiến niêm mạc mũi của bé bị tổn thương.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cha mẹ tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ vì cách này rất mất vệ sinh và còn tiềm ẩn nguy cơ lây chéo bệnh từ trẻ sang cha mẹ.

Ngoài ra BS Dũng cũng nhấn mạnh đến yếu tố đảm bảo vệ sinh của dụng cụ hút mũi, nếu dùng dụng cụ hút mũi chưa được tiệt trùng cẩn thận có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Vì vậy, nếu đưa trẻ đi hút mũi, cha mẹ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín nơi các dụng cụ được tiệt trùng hoặc thay mới cho mỗi bệnh nhân. Nếu mẹ có dùng khăn lau mũi cũng nên dùng khăn giấy mềm dùng xong bỏ đi ngay để tránh lây nhiễm bệnh từ dịch mũi của trẻ ở trên khăn.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN