Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:00
RSS

7 biện pháp phòng chống cháy nổ do thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết

Thứ ba, 09/02/2021, 07:40 (GMT+7)

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy và thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh cháy nổ.

Thời điểm đầu xuân là lúc thời tiết thay đổi, trời hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao. Đặc biệt là việc thắp hương, đốt vàng mã tại các đình, chùa, miếu, nơi tổ chức các hoạt động lễ, hội để thờ cúng… và hộ gia đình sẽ gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ.

Gần đây, ngày 04/02/2021, một đám cháy phố Tam Khương (phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) đã làm 4 người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu được xác định liên quan đến việc đốt vàng mã.

Để nhân dân vui xuân đón tết an toàn, hạn chế tối đa việc xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

7 biện pháp phòng chống cháy nổ do thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết

Cần cảnh giác trước nguy cơ cháy nổ do thắp hương, đốt vàng mã trong dịp Tết (Ảnh: TL)

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC; chủ động phát hiện và kịp thời xử lý các tồn tại, thiếu sót, vi phạm quy định về đảm bảo an toàn PCCC; tổ chức tốt công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chủ động lực lượng và phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy và thực hiện tốt các biện pháp dưới đây để phòng tránh cháy nổ.

1. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, thắp nến, đốt vàng mã…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.

2. Bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo an toàn PCCC như:

- Bát hương phải kê, đặt trên các thiết bị không cháy hoặc khó cháy.

- Đồ thắp hương dễ cháy (như vàng mã) phải để xa bát hương.

- Khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương.

3. Hóa vàng mã phải đúng nơi quy định.

- Không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, trên vỉa hè các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.

- Trước khi đốt vàng mã phải chọn nơi kín gió, hoặc sử dụng lư hương, có các biện pháp che chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy (các thùng lư hương hoặc đỉnh bằng vật liệu không cháy để đốt vàng, mã và đặt cách xa hàng hóa dễ cháy ít nhất 2m).

- Khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước.

- Đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.

4. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m.

5. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh.

6. Khi xảy ra cháy trong hộ gia đình, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà biết để mau chóng di chuyển ra ngoài.

7. Khi thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc, để che chắn mặt, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…; Đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số máy miễn phí 114.

Nam Anh
Theo Gia Đình Việt Nam