Tại Hà Nội người dân có thể làm thẻ CCCD gắn chip theo cấp phường thay vì cấp quận như trước đây. Cơ quan công an lập danh sách theo từng tổ dân phố, cơ quan, trường học..., đồng thời lịch cấp cũng linh động và vật tư được dự trù để đủ cấp cho khoảng 2,5 triệu người.
Các phường dự kiến sẽ cấp thẻ CCCD gắn chip cho người dân có nhu cầu phục vụ liên tiếp các ngày trong tuần, thời gian tiếp nhận hồ sơ tăng lên 10 giờ thay vì chỉ 8 giờ hành chính. Trường hợp cấp thẻ căn cước tại chỗ ở vì lí do đặc biệt như người già, gia đình chính sách, người ốm đau, bệnh tật..., chính quyền địa phương sẽ tổng hợp và lên danh sách đề xuất với công an cấp quận.
Dự kiến, lượng vật tư sẽ được chuẩn bị cho khoảng 2,5 triệu người dân Hà Nội.
Về việc công dân từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ CCCD gắn chip, hầu hết người dân đều tán thành. Chị Tô Thùy Linh (sinh năm 1996, nhân viên ngân hàng, cư trú tại ngõ 890 Đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Thẻ CCCD gắn chip có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn, điều này rất thuận tiện. Người dân có thể sử dụng thẻ căn cước để thực hiện nhiều giao dịch hay công việc có liên quan. Tuy có mất công đến cơ quan chính quyền làm lại thẻ, nhưng tôi thấy đây là điều cần thiết. Thời đại 4.0, những thay đổi như vậy là hoàn toàn hợp lý".
Cùng suy nghĩ với chị Linh, bà Bùi Thị Chi, hàng xóm của chị (55 tuổi, nội trợ) cho rằng: "Chúng tôi thấy cái này rất hữu ích với người trẻ. Ban đầu, tôi thấy việc này không hoàn toàn cần thiết, CMND chỉ là một tấm thẻ để chứng minh thân phận thôi, đâu cần áp dụng công nghệ vào cho phức tạp thêm. Tuy nhiên, sau khi nghe con cháu giải thích thêm tôi đã hiểu ra giá trị của loại thẻ mới này".
Căn cước công dân gắn chip có ưu điểm lớn về việc lưu trữ được nhiều thông tin liên quan đến chủ sở hữu thẻ. (Ảnh minh họa)
Thẻ CCCD gắn chip sẽ được bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/1/2021 theo kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2021. Quy trình làm thẻ CCCD gắn chip tổng cộng gồm 7 bước.
Công dân đem theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), thẻ CCCD hoặc giấy tờ chứng minh thông tin của bản thân. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin trên giấy giờ đã xuất trình. Nếu công dân chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số, thẻ CCCD gắn mã vạch sang thẻ CCCD gắn chíp, cán bộ sẽ thu hồi thẻ cũ và xử lý theo quy định chi tiết của Bộ Công an.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu CMND 9 số còn rõ nét thì cán bộ công an trả lại CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD, đồng thời đưa giấy hẹn cấp thẻ CCCD mới. Khi tiến hành trả thẻ, công dân trình giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND, cán bộ sẽ cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND cũ, mỗi cạnh góc vuông là 2cm. Tiếp đó, cán bộ ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ CCCD. Trường hợp CMND 9 số không rõ nét, cán bộ công an thực hiện thu, hủy, ghi vào hồ sơ và cấp giấy xác nhận số CMND cho công dân.
Với thẻ CMND 12 số và CCCD có gắn mã vạch, quy trình thu, nộp cũng tương tự. Điểm khác duy nhất là khi cắt góc, mỗi cạnh góc vuông là 1.5cm. Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát, cơ quan quản lý, tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND hoặc thẻ CCCD gắn mã vạch đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ.
Tiếp sau đó, cán bộ nhập thông tin về loại cấp thẻ CCCD và đặc điểm nhận dạng của công dân, tiến hành lấy vân tay bằng dụng cụ chuyên dùng. Ảnh chân dung cho thẻ CCCD gắn chip là ảnh màu, phông trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục lịch sự, không được sử dụng trang phục đặc thù cho nghề nghiệp, có thể mặc lễ phục tôn giáo. Công dân nhận phiếu thu nhận thông tin, đối chiếu trước khi lấy giấy hẹn cấp thẻ.