Lễ Phục sinh theo đạo Thiên chúa giáo, là lễ mừng Chúa Jésus Christ sống lại sau ba ngày. Lễ này tiếp theo Tuần Thánh mà người ta tổ chức cho bữa ăn cuối cùng của Chúa Jésus với Tông đồ (ngày thứ Năm: La Cène) và ngày Chúa chết trên thập tự giá (thứ Sáu).
Lễ Phục sinh là lễ mùa Xuân, hy vọng vào sự tái sinh của Chúa.
Từ xa xưa, mọi người mừng sự trở lại của mùa Xuân sau những tháng dài lạnh lẽo của mùa Đông, cây cối bắt đầu đâm chổi nẩy lộc.
Lễ Phục sinh dựa nhiều vào nguồn gốc lễ Vượt qua của Do Thái giáo. Người Kitô hữu tin rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã hoàn thành những gì mà biến cố Xuất Hành đã tiên báo: giải phóng con người khỏi tội lỗi và đưa họ vào cuộc sống do Thiên Chúa ban tặng.
Ở Israel, đây là một ngày lễ tôn giáo được tôn kính rất mực. Hằng ngàn tín đồ sùng đạo từ khắp thế giới đổ về Thánh Địa Jerusalem.
Ngày lễ Phục sinh hàng năm nhất định phải là ngày Chủ nhật. Ngày lễ Phục sinh lại phụ thuộc vào ngày lễ Vượt qua của người Do Thái. Theo Tin Mừng thì Đức Giêsu và các Tông đồ ăn mừng lễ Vượt qua vào đêm trước của lễ Vượt qua. Sau đó Đức Giêsu đã chịu chết trên thánh giá vào chiều thứ Sáu chính ngày lễ Vượt qua. Các môn đệ đã hạ xác Đức Giêsu xuống và an táng Ngài trong ngôi mộ đá. Đức Giêsu đã phục sinh (sống lại) vào ngày cuối cùng trong tuần (Chủ nhật).
Ngày lễ Vượt qua của người Do Thái được tính theo lịch mặt trăng và ngày lễ bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, lễ được kéo dài thêm một tuần nữa (x. Lv 23, 4-7). Nissan là tháng đầu của mùa gặt vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian trong năm.
Nguồn gốc của lễ Vượt qua: Khi dân Do Thái còn bị lưu đày bên Ai Cập, “Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Israel: Mùng 10 tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người.
Tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Có thể bắt chiên hay dê đều được. Phải nhốt nó cho tới ngày 14 tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.
Còn thịt, sẽ ăn ngay vào đêm hôm ấy, có thể nướng lên, ăn với bánh không lên men và rau đắng. Không được ăn sống hay luộc mà chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. Không được để lại gì đến sáng; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi. Cách ăn: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Lưu ý phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.” (Xh 12, 1-11)
Thứ Sáu, lễ Vượt qua của người Do Thái được kỷ niệm vào ngày 14 âm lịch. Biến cố Đức Giêsu Phục sinh xảy ra sau ngày lễ Vượt qua, như vậy phải sau ngày trăng tròn.
Trong mùa xuân bao gồm các tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ. Để ấn định ngày lễ Phục sinh của những năm trong tương lai, phải hội tụ đủ 3 yếu tố:
– Lễ Phục sinh phải là ngày chủ nhật
– Chủ nhật, Phục sinh phải đứng liền kề sau ngày rằm (trăng tròn)
– Ngày rằm ấy phải đứng liền kề sau tiết Xuân phân (sau tiết Xuân phân là tiết Thanh minh, nhưng không lấy tiết Thanh minh làm mốc thời gian. Bởi vì lễ Phục sinh có năm trước tiết Thanh minh, có năm lại sau tiết Thanh minh).
Tiết Xuân phân là ngày 20 hoặc 21 tháng 3 dương lịch. Như vậy cách tính ngày lễ Phục sinh vừa kết hợp dương lịch và âm lịch.
Tiết Xuân phân năm 2020 là ngày 20 tháng 3, ngày rằm (trăng tròn) sau tiết Xuân phân là ngày 7 tháng 4 và Chủ nhật liền kề sau rằm là ngày là ngày 12 tháng 4. Vậy lễ Phục sinh năm 2020 là Chủ nhật ngày 12 tháng 4.