Nhiều ý kiến cho rằng trẻ em Việt Nam đang thiếu trầm trọng kỹ năng phòng chống xâm hại (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Lời tòa soạn: Những bé gái bị xâm hại dẫn đến mang bầu đang là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh, cha mẹ, nhà trường về cách chăm sóc và dạy dỗ con mình. Nhiều câu chuyện dậy sóng dư luận, thực trạng đau lòng khi các em bé gái phải gánh chịu, cũng như giải pháp nào để cha mẹ bảo vệ con trước những mối nguy đang rình rập?. Tuyến đề tài của chúng tôi phần nào giải đáp cho những câu hỏi đang gây bức bối cũng như góp tiếng nói về thực trạng đáng báo động hiện nay.
Xem thêm:
Bài 1: Từ những đứa trẻ mang bầu đến các vụ xâm hại trẻ gây rúng động
Bài 2: Trẻ bị xâm hại tình dục những trải nghiệm kinh hoàng có thể tác động tiêu cực đến ADN
Theo số liệu thống kê vào năm 2018. cứ 8 giờ lại có 1 đứa trẻ bị xâm hại. 14 tháng tuổi là số tuổi nhỏ nhất của nạn nhân bị phát hiện bị xâm hại tình dục. Những con số kể trên là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiện tượng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng đang ngày càng trở nên trầm trọng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trẻ em đối tượng rất cần được bảo vệ, cảnh báo trước vấn nạn xâm hại tình dục lại không được chú trọng giáo dục giới tính và đặc biệt là thiếu kiến thức phòng chống xâm hại tình dục.
Trẻ thiếu kiến thức về xâm hại tình dục
Trả lời Đời sống Plus, chị Nguyễn Huệ Thủy, thành viên dự án tình nguyện về giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục mang tên "S Project" chia sẻ: "Trong quá trình tham gia các hoạt động ngoại khóa, mình nhận thấy, số trẻ em hiện nay đều rất thiếu kiến thức về giới tính và kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục.
Nhiều trẻ nhỏ được cho là thiếu kiến thức để bảo vệ mình khi bị xâm hại. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, không phải là tất cả đều không biết, mà là có sự phân bố chênh lệch ở thành phố và nông thôn. Phần đa các em ở thành phố thì được tiếp xúc và hiểu biết rõ hơn về giáo dục giới tính thông qua 1 số hoạt động ngoại khóa ở trường, địa phương cũng như thông qua Internet. Còn các em ở các khu vực nông thôn, miền núi thì ít hơn nhiều, và chủ yếu theo những kiến thức khá cổ hủ mà ông bà nói lại".
Điều đáng ngại hơn là qua một buổi khảo sát nhỏ do nhóm PV tiến hành, rất nhiều bạn học sinh ở lứa tuổi từ 12-16 đều thừa nhận đã từng nghe đến những vụ việc xâm hại trẻ em hay xâm hại tình dục, tuy nhiên lại không mấy quan tâm.
Khi được đặt câu hỏi có biết thế nào là hành vi xâm hại tình dục không, đa số các em cho rằng đó là hành động sờ vào những bộ phận riêng tư trên cơ thể (gồm: miệng, ngực, cơ quan sinh dục, mông, đùi non). Tuy nhiên, rất nhiều em không hề biết đến những hành vi xâm hại khác như: cho xem, đọc những hành vi không đúng văn hóa; nói lời khiếm nhã... cũng là xâm hại tình dục.
Đặc biệt khi được hỏi về đường dây nóng và những thông tin của các tổ chức, cá nhân bảo vệ trẻ em, nơi trẻ có thể chia sẻ, cầu cứu khi bị xâm hại thì đa số đều không biết hoặc "khi nào cần sẽ tra Google"
"Câu chuyện của bọn em bây giờ chỉ xung quanh nhạc Hàn Quốc, truyện tranh Nhật Bản .. chứ rất ít khi nói đến các vấn đề giới tính hay xâm hại tình dục" - em Hoàng Anh (15 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Cha mẹ hoang mang khi dạy con
Phân tích về thực trạng này, TS Vũ Thu Hương - người đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc mang kiến thức giới tính và phòng tránh xâm hại đến với trẻ em đã chỉ ra những nguyên nhân nổi cộm.
Đó là việc cha mẹ ngại ngần giáo dục giới tính cho con, không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhiều bậc phụ huynh còn cho rằng giáo dục giới tính hay các kỹ năng cho trẻ không khác nào "vẽ đường cho hươu chạy".
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh: NVCC)
Ngoài việc giáo dục từ gia đình, TS Hương cũng cho rằng các trường học ở Việt Nam nên chú trọng hơn việc giáo dục giới tính. Sách giáo khoa Khoa học lớp 5 mới bắt đầu có giáo dục giới tính với kiến thức sơ đẳng nhất.
Cụ thể bài tập số một tìm hiểu “bé là con ai”, mang đến thông điệp mọi trẻ em đều do cha, mẹ sinh ra, nhờ đó các thế hệ trong mỗi gia đình, dòng họ được duy trì kế tiếp nhau. Bài tập lớp 2-3 nói về sự khác nhau giữa cơ thể nam và nữ. Bài tập 4, trẻ học về cơ thể được hình thành như thế nào.
Tuy nhiên, TS Hương cho rằng: "Tới lớp 5 mới dạy những nội dung về giới tính là quá muộn. Bởi nhiều học sinh lớp 5 đã dậy thì, kiến thức về giáo dục giới tính phải được dạy sớm hơn, khoảng lớp 3, 4. Đặc biệt hoàn toàn không có giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại là một thiếu sót lớn".