Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:25
RSS

WHO khuyến nghị không dùng thuốc sốt rét trị Covid-19

Thứ năm, 21/05/2020, 16:31 (GMT+7)

Một quan chức cấp cao của WHO nêu rõ ở giai đoạn này chưa xác định được hiệu quả thuốc sốt rét trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

 

WHO khuyến nghị không dùng thuốc sốt rét trị Covid-19
WHO khuyến nghị không dùng thuốc sốt rét trị Covid-19. Ảnh TTXVN

Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20/5 khuyến cáo không sử dụng hydroxychloroquine và chloroquine - những loại thuốc trị sốt rét và các bệnh khác - trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhấn mạnh chỉ sử dụng các loại thuốc này trong thử nghiệm lâm sàng.

Trả lời câu hỏi về vấn đề trên tại một cuộc báo, tiến sỹ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nêu rõ mặc dù cả hai loại thuốc nói trên đã được cấp phép sử dụng điều trị nhiều bệnh, song, ở giai đoạn này chưa xác định được hiệu quả của các thuốc này trong điều trị bệnh Covid-19 hoặc cải thiện sức khỏe của người bệnh, Vietnamplus đưa tin. 

Ông Ryan cũng nhấn mạnh nhà chức trách nhiều nước đã đưa ra những cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc này cũng như hạn chế sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng vì đã xảy ra một số tác dụng phụ.

Trong khi đó, tiến sỹ Maria Van Kerkhove, lãnh đạo kỹ thuật của Chương trình y tế khẩn cấp, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay là đoàn kết và hợp tác giữa các nước trong việc tiến hành các cuộc thử nghiệm, hướng tới mục tiêu chung tìm ra phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19.

"Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi trong đại dịch này", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hôm 20/5 tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. "Trong 24 giờ qua, đã có 106.000 ca nhiễm được báo cáo cho WHO, nhiều nhất một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Gần hai phần ba trong số các ca nhiễm này do 4 quốc gia báo cáo", Vnexpress dẫn lời ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Nhà dịch tễ học của WHO Maria Van Kerkhove xác nhận với CNN qua email, rằng 4 quốc gia nói trên gồm Mỹ, Nga, Brazil và Ấn Độ.

Báo cáo 106.000 ca nhiễm trên không có nghĩa là tất cả được xét nghiệm hay thống kê trong vòng 24 giờ qua, do có sự chậm trễ tại nhiều khâu trong quy trình báo cáo. 

Tuy nhiên, thống kê của WHO, cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, được cho là đáng tin cậy.

Theo thống kê của trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers, thế giới ghi nhận gần 87.000 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc khiến hơn 5 triệu người nhiễm, hơn 329.000 ca tử vong, và hơn hai triệu người hồi phục. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 1,6 triệu ca nhiễm, gần 95.000 ca tử vong, theo Worldometer.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN