Covid-19 xuất hiện nhiều triệu chứng lạ do quá nhiều người mắc bệnh?. Ảnh VNE
Các biểu hiện của bệnh nhân nCoV ban đầu chỉ là sốt, nhức đầu và khó thở. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 đến nay, giới chức y tế liên tục ghi nhận các triệu chứng lạ như đông máu, tổn thương lành tính ở bàn chân (còn gọi là "ngón chân Covid"), tiêu chảy, đau đầu buồn nôn và cả viêm đa hệ ở trẻ em.
Nhiều người nhận định, đến khi dịch bệnh thật sự kết thúc, danh sách triệu chứng sẽ còn rất dài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây có thể không phải điều quá bất thường, Vnexpress đưa tin.
Theo tiến sĩ Gerald Evans, trưởng khoa truyền nhiễm, Đại học Queen, trên thực tế, số triệu chứng của covid-19 tương đương với các loại bệnh truyền nhiễm khác. Lượng người mắc cũng trong mức trung bình. Ông lấy ví dụ về viêm kết mạc, biểu hiện ở 0,8% người nhiễm nCoV.
"Tuy nhiên, tỷ lệ viêm kết mạch của dân số nói chung cũng là 0,8%. Đây có thể là câu trả lời cho vấn đề", ông nhận định. Các triệu chứng phổ biến hơn như đau đầu hoặc buồn nôn bắt nguồn từ nhiều lý do. Tiến sĩ Evans cho rằng thật khó để nói nó đặc trưng cho Covid-19.
Trong khi đó, Jason Kindrachuk, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Canada về Virus mới nổi, Đại học Manitoba, khẳng định các biểu hiện của nCoV dường như phong phú là bởi có quá nhiều người mắc bệnh. Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm virus, con số lớn hơn bất cứ đại dịch nào trong 10 năm trở lại đây.
Ban đầu, nCoV được cho là nhắm vào phổi. Tuy nhiên ở các trường hợp bệnh nặng, các cơ quan quan trọng khác của bệnh nhân cũng bị tổn hại. Nhiều người trải qua "cơn bão Cytokine", hệ miễn dịch phản ứng quá mức, tấn công thay vì bảo vệ cơ thể.
Theo tiến sĩ Gerald Evans, điều quan trọng nhất là phân biệt biểu hiện đặc trưng cho Covid-19 với các biến chứng kéo theo, như suy thận. Trên thực tế, tình trạng suy tạng phát triển đối với hầu hết người bị nhiễm trùng do virus, không chỉ nCoV.
"Rất nhiều điều có thể xảy ra khi bạn bị bệnh. Một trong số đó là giảm lưu lượng máu đến các cơ quan như thận hoặc não. Vấn đề này không quá hiếm gặp đối với người bệnh nặng, nằm trong khu hồi sức tích cực", ông nói.
Hội chứng rối loạn đông máu, được ghi nhận ở rất nhiều bệnh nhân Covid-19, cũng có thể xảy ra khi mắc bệnh khác. Tuy nhiên tỷ lệ ở người nhiễm nCoV cao hơn.
Tuổi trẻ dẫn nhận định của WHO cho hay, virus corona chủng mới đang lây lan nhanh ở các nước nghèo trong khi các nước giàu bắt đầu nới lỏng phong toả. Trong 24 giờ qua tính đến tối 20/5, thế giới có hơn hơn 106.000 ca mắc Covid-19 mới, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh.
"Chúng ta còn một chặng đường dài phải vượt qua trong đại dịch này. Chúng tôi rất lo ngại về số ca gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình", hãng tin Reuters dẫn lời tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo ngày 20/5.
Trong khi đó, ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, cho biết thế giới sẽ sớm đạt mốc 5 triệu ca mắc Covid-19.
Số ca mới ở các nước Mỹ Latin đang tăng chóng mặt. Brazil ngày 19-5 đã vượt Anh trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus corona chủng mới cao thứ 3 thế giới. Tại châu Á, Philippines ngày 20/5 cho biết có thêm 279 ca mới trong khi Indonesia có thêm 693 ca.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong toả. Tây Ban Nha bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại các khu vực đông người trong khi Đức cho phép các hồ bơi mở cửa trở lại.